Y tếSức khỏe

Phòng bệnh đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

08:30 - Thứ Hai, 17/05/2021 Lượt xem: 14200 In bài viết

ĐBP - Thường gặp ở người cao tuổi, bệnh đau nhức xương khớp không chỉ làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt thường ngày mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng đau nhức kéo dài sẽ trở thành tổn thương vĩnh viễn, dẫn tới suy giảm chức năng vận động và thậm chí là tàn phế.

Bệnh nhân điều trị đau nhức xương khớp tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Nội (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết: Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều khớp, đó là phần tiếp nối giữa hai đầu xương trong cùng một cơ thể. Khi thoái hóa khớp, tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp, sau đó là tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và dịch khớp. Các xương dễ bị thoái hóa nhất là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân. Nguyên nhân chính dẫn đến đau nhức xương khớp là do lớp sụn ở khớp xương bị thoái hóa và ăn mòn, thiếu chất nhờn ở các khớp xương, điều này tạo nên đau nhức khi cử động hoặc vận động. Với biểu hiện ban đầu có thể chỉ là cơn đau nhẹ thoáng qua hoặc đau khi cử động ở một vài khớp, tuy nhiên nếu không xử trí kịp thời, bệnh sẽ nặng hơn, cơn đau càng trầm trọng và tấn công thêm nhiều khớp khác.

Theo thống kê, có hơn 70% người trên 40 tuổi bị đau nhức xương khớp dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Các cơn đau nhức thường âm ỉ hoặc dữ dội, đặc biệt chuyển nặng vào những lúc thời tiết thay đổi, mưa lạnh, nắng nóng thất thường làm ảnh hưởng tới tuần hoàn máu, độ trơn nhớt của lượng dịch khớp và nồng độ của một số chất trong cơ thể khiến nhiều người gặp phải tình trạng đau nhức xương khớp.

Khoa Nội (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) đang điều trị cho hơn chục bệnh nhân bị đau nhức xương khớp. Người bị đau khớp đốt sống cổ, người thì đau khớp gối... nhưng có một điểm chung, họ đều là người cao tuổi. Bà Vũ Minh Sơn, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) năm nay gần 60 tuổi, thời điểm nghỉ hưu cũng là lúc bà thường gặp những cơn đau nhức ở đầu gối. Thời gian đầu, bà Sơn vẫn chủ quan nghĩ bệnh người già chắc không nghiêm trọng, nhưng càng lâu, những triệu chứng đau mỏi, đau nhức lại càng nặng khiến bà không tự duy trì được các hoạt động tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày. Nhất là khi đêm về, những cơn đau nhức làm bà Sơn rất khó ngủ, hay phải trở mình giữa đêm. Cảm giác khó chịu, đau âm ỉ khiến bà ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, cơ thể mệt mỏi, chán nản, suy giảm sức đề kháng, suy nhược cơ thể...

Theo bác sĩ Yến, mặc dù đau nhức xương khớp gây khó chịu nhưng tâm lý người bệnh thường chủ quan, ngại đi khám và xử trí cơn đau theo những kinh nghiệm của riêng mình hay các phương pháp dân gian như: Chườm nóng, bôi dầu, xoa bóp, đắp thuốc lá, bấm huyệt, tự mua thuốc uống... Những cách này thường chỉ tạo cảm giác giảm đau ở thời điểm áp dụng mà không cải thiện được bệnh. Đồng thời cũng có nguy cơ gây ra hậu quả nguy hiểm nếu áp dụng thường xuyên như làm bỏng rát, viêm nhiễm vùng da bôi đắp thuốc; hoặc các thuốc đông y, thuốc nam không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến gan, dạ dày. Đặc biệt, một số người quen dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm tác dụng nhanh để giải quyết cơn đau. Các thuốc tân dược này thường ẩn chứa nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe, như gây suy gan, thận, viêm loét dạ dày...

Đau nhức xương khớp ở người cao tuổi là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể được phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả bằng một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lối sống lành mạnh như: Ăn nhiều rau xanh, các loại quả, hạn chế thịt, dầu mỡ, muối và các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá; kiểm soát cân nặng và cần giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì nhằm giảm áp lực lên sụn các khớp; duy trì thói quen tập luyện, vận động phù hợp, tránh các động tác mạnh; cần giữ ấm cơ thể, hạn chế để chân tay bị ẩm ướt liên tục, có thể ngâm chân, tay vào nước ấm khi trời quá lạnh hoặc trước khi đi ngủ... Khi các dấu hiệu đau nhức xuất hiện, người bệnh không nên âm thầm chịu đựng mà cần sớm tới các cơ sở y tế thăm khám để phát hiện bệnh sớm, giúp quá trình điều trị và phục hồi diễn ra thuận lợi.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top