Y tếSức khỏe

Điều trị sớm trào ngược dạ dày

08:37 - Thứ Hai, 13/09/2021 Lượt xem: 13441 In bài viết

ĐBP - Trào ngược dạ dày - thực quản có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi. Thông tin từ Khoa Ngoại lao - Lao ngoài phổi và Bệnh phổi (Bệnh viện Phổi tỉnh) có khoảng 60% bệnh nhân viêm phổi có triệu chứng trào ngược dạ dày, gây mất nhiều thời gian để điều trị bệnh. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp, lành mạnh sẽ làm giảm các triệu chứng và hạn chế biến chứng của căn bệnh phổ biến này.

Cán bộ y tế Khoa Ngoại lao - Lao ngoài phổi và bệnh phổi (Bệnh viện Phổi tỉnh) thăm hỏi, nhắc nhở người bệnh về lựa chọn thực phẩm, chế độ ăn uống để điều trị bệnh có kèm các triệu chứng trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản có thể do sinh lý, chức năng (không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể) hoặc bệnh lý có thể gây suy dinh dưỡng, viêm thực quản, biến chứng hô hấp, thậm chí tử vong. Triệu chứng của trào ngược dạ dày, bao gồm: Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua. Các triệu chứng nói trên có thể sẽ tăng lên khi ăn no, khi uống nước, khi đang đầy bụng khó tiêu hoặc cúi gập người về phía trước, nằm nghỉ, ngủ vào ban đêm. Cùng với đó là buồn nôn, nôn, đau tức ngực, khó nuốt, khản giọng, ho, miệng tiết nhiều nước bọt, đắng miệng… ngoài ra người bệnh có thể chán ăn, sụt cân, bị thiếu máu hoặc chảy máu ở đường tiêu hóa.

Trào ngược dạ dày có nhiều tác hại đến sức khỏe. Dịch dạ dày trào lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm. Có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng khó nuốt, nuốt đau, đau ngực... Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn. Một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi. Trào ngược dạ dày còn là nguy cơ dây hẹp thực quản, Barrett thực quản (tiền ung thư thực quản), ung thư thực quản…

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Như Quỳnh, Phó Trưởng khoa Ngoại lao - Lao ngoài phổi và bệnh phổi (Bệnh viện Phổi tỉnh) cho biết: Nhiều bệnh nhân viêm phổi mà khoa tiếp nhận điều trị có triệu chứng trào ngược dạ dày, khiến thời gian điều trị kéo dài hơn do phải ổn định dạ dày trước. Có nhiều nguyên nhân gây trào ngược dạ dày. Một trong số đó là do tập quán ăn uống của địa bàn vùng cao tỉnh ta, như: Ăn đồ cay nóng, rượu bia, đồ chứa nhiều axit (măng chua, gỏi chua...). Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, lựa chọn thực phẩm, chế độ ăn uống là điều các cán bộ y tế thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn bệnh nhân. Đầu tiên là lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: Thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, đạm dễ tiêu... để giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp co thắt thực quản có axit trào lên. Lựa chọn thực phẩm dễ tiêu, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Cùng với đó hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: Hoa quả hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa...), nước có ga, thức ăn cay, nóng... Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá.

Người bị trào ngược dạ dày cần chú ý đến nguồn thực phẩm được tiêu thụ mỗi ngày. Bởi việc bổ sung những loại thực phẩm lành mạnh sẽ giúp hỗ trợ quá trình phục hồi bệnh, cải thiện các hoạt động của hệ tiêu hóa. Ngược lại, thực phẩm kém lành mạnh có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Khi điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng mà không cải thiện triệu chứng, bệnh nhân cần điều trị bằng các phương pháp nội, ngoại khoa theo chỉ định của bác sĩ dựa trên nguyên nhân gây bệnh và biểu hiện của bệnh. Trào ngược dạ dày là căn bệnh phổ biến nhưng nếu không được kiểm soát triệu chứng, làm liền sẹo các tổn thương nếu có… thì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top