Y tếSức khỏe

Chủ động tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh thủy đậu

08:30 - Thứ Hai, 01/11/2021 Lượt xem: 9321 In bài viết

ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 421 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, tăng 69 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, một số huyện có số lượng mắc cao như: Nậm Pồ (94 trường hợp), Tủa Chùa (68 trường hợp), Mường Nhé (57 trường hợp), Tuần Giáo (51 trường hợp)… Là bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter, bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng và dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Tiêm vắc xin phòng thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Trong ảnh: Bác sĩ tại Phòng Tiêm chủng vắc xin Safpo (TP. Điện Biên Phủ) thăm khám cho trẻ trước khi tiêm phòng.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thủy đậu sẽ xuất hiện từ 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng từ 12 - 14 giờ, có thể nổi toàn thân, có đường kính từ 1 - 3mm, chứa dịch trong. Những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn sẽ có màu đục do chứa mủ. Trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói; bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Tuy nhiên, có bệnh nhân thủy đậu gặp những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng, trong đó, bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này.

Chính vì những di chứng cũng như tính nguy hiểm của bệnh mà cách phòng tránh hữu hiệu nhất là chủ động tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu để giúp ngăn ngừa và giảm độ nặng của bệnh. Loại vắc xin này có thể sử dụng cho những trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Trẻ dưới 13 tuổi chỉ cần tiêm một liều là đủ; tuy nhiên nếu đang gặp dịch bệnh cũng như để tăng khả năng miễn dịch cho trẻ thì cha mẹ nên cho trẻ tiêm tiếp một mũi nữa. Với những trẻ từ 13 tuổi trở lên thì nên tiêm phòng đủ cả hai mũi để có sự bảo vệ tối ưu trước bệnh thủy đậu.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp như: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi xuất hiện biểu hiện sốt cao liên tục, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê, có xuất huyết trên nốt rạ nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top