Y tếSức khỏe

Phòng bệnh loãng xương ở người cao tuổi

08:29 - Thứ Hai, 22/11/2021 Lượt xem: 8571 In bài viết

ĐBP - Bệnh loãng xương khá phổ biến ở người cao tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh cao và gây ra những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể phòng tránh được nếu chúng ta biết theo dõi và kiểm soát cơ thể.

Bệnh nhân điều trị loãng xương tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Nội (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết: Loãng xương là sự rối loạn làm thoái hóa xương, xương mỏng và yếu, dễ dẫn đến bị gãy, vỡ. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt vitamin D hoặc cơ thể mất nhiều canxi qua việc sử dụng quá nhiều nước ngọt có gas, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thói quen ăn quá mặn… có thể làm ảnh hưởng xấu đến hấp thu, thải trừ canxi cũng như chuyển hóa của xương và làm gia tăng nguy cơ loãng xương. Đồng thời, thói quen sinh hoạt, lối sống, công việc phải ngồi một chỗ, ít vận động, ít ra ngoài trời cũng góp phần làm loãng xương gia tăng. Việc sử dụng một số thuốc kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến xương. Bệnh loãng xương nguy hiểm vì có thể gây gãy xương, đặc biệt ở người người cao tuổi. Bởi người cao tuổi bị loãng xương, khi bị gãy xương thường lâu lành, thậm chí có trường hợp không thể can thiệp mà phải nằm một chỗ. Khi nằm một chỗ trong thời gian kéo dài, người bệnh dễ bị viêm phổi, biến chứng nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, bệnh loãng xương gây giảm khả năng vận động, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Quá trình loãng xương diễn ra từ từ chỉ tới khi loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện bệnh. Do đó, mọi người cần lưu ý tới một số biểu hiện chính của bệnh, như: Đau nhức, mỏi dọc các xương dài; đau nhức như châm chích toàn thân; đau tăng về đêm, nghỉ ngơi không hết. Ngoài ra, cần chú ý biểu hiện đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên (cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối), những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ. Đau ở cột sống, thắt lưng hoặc hai bên liên sườn. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Thêm một triệu chứng toàn thân thường gặp, đó là luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút, ra mồ hôi. Vì vậy, người cao tuổi cần khám sức khỏe định kỳ và đo mật độ xương. Nếu loãng xương ở mức độ nhẹ, việc chữa trị sẽ dễ dàng hơn.

Phòng loãng xương rất quan trọng vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với điều trị bệnh loãng xương cũng như các biến chứng của bệnh. Việc dự phòng loãng xương bao gồm tăng cường dinh dưỡng, bảo đảm đủ chất canxi và các yếu tố vi lượng bằng cách sử dụng những thực phẩm như tôm, cua, ốc, thịt, trứng, sữa... Tuy nhiên, cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tránh để thừa cân, béo phì và cần cung cấp đủ vitamin D để tăng hấp thu canxi bằng cách cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm. Bên cạnh đó, luyện tập thể thao thường xuyên, đều đặn sẽ giúp xương chắc khỏe, làm tăng mật độ xương và làm giảm sự mất xương. Việc luyện tập đối với người cao tuổi cần lưu ý thực hiện những động tác ở mức độ vừa phải, không nên vận động quá mạnh, có thể ảnh hưởng không tốt đến xương. Ngoài ra, cần loại bỏ các thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, như: Hút thuốc lá, uống rượu, bia. Nên kiểm tra độ loãng xương hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng đau nhức tại cột sống và các hệ thống xương khác cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top