Thể thao Việt Nam: Tín hiệu đáng mừng

00:00 - Thứ Hai, 29/02/2016 Lượt xem: 1809 In bài viết
Vai trò của nguồn lực xã hội hóa được Liên đoàn Xe đạp Mô-tô thể thao Việt Nam đặt lên vị trí rất quan trọng trong Đại hội nhiệm kỳ lần 6 (2016-2020). Phải nhìn thấy cụ thể, chủ thể hiệp hội, Liên đoàn thể thao là tổ chức xã hội của một môn thể thao nên họ phải phát huy mạnh mẽ nhất việc kêu gọi và chung sức từ các nguồn lực bên ngoài chứ không chờ mãi đầu tư từ nhà nước.

Con người phù hợp

Nói thẳng, việc lựa chọn nghệ sĩ Lý Nhã Kỳ để bầu chọn đảm nhiệm vị trí là một trong các Phó Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ mới là thành công bước đầu. Nữ Phó Chủ tịch này trong trả lời phỏng vấn khẳng định, về chuyên môn xe đạp, mình là người ngoại đạo nhưng tự tin và biết năng lực bản thân có thể giúp các hoạt động của liên đoàn mạnh qua nhiều mối quan hệ, nguồn lực xã hội. Đó là điều mà nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao rất cần.

Một diện mạo mới đầy hứa hẹn của Liên đoàn Xe đạp Mô-tô thể thao Việt Nam trong nhiệm kỳ 6.

Thực tế, hoạt động của đua xe đạp và mô-tô tại Việt Nam vẫn chỉ trên một số khu vực vùng miền cụ thể. Đơn cử, với xe đạp, các địa phương ở miền Nam phát triển hơn phía Bắc. Về mô-tô, những trường đua xe tiêu chuẩn châu Á là chưa có. Nguồn lực xã hội khi tham gia đầu tư sẽ giúp thúc đẩy phong trào để người dân tham gia chơi thể thao những môn này nhiều hơn. Như vậy, đường hướng phát triển mới đúng mục tiêu của tất cả các liên đoàn, hiệp hội thể thao tại Việt Nam là phổ cập và tất cả cùng hoạt động. Nếu đặt câu hỏi Lý Nhã Kỳ làm được gì ngay lúc này thì chính nữ Phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp Mô-tô thể thao Việt Nam khẳng định mình đã có kế hoạch rồi bắt tay vào công việc cụ thể. Ít nhất, là người làm việc trong giới giải trí lẫn doanh nghiệp, vị nữ Phó Chủ tịch này làm cầu nối mối quan hệ để đưa về các hợp đồng tài trợ.

Trong các Phó Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ mới, các ông Trần Anh Tuấn, Ngô Quang Vinh cũng là những nhân sự được chú ý. Họ đều là những người không lạ với giới xe đạp, mô-tô Việt Nam. Ông Tuấn đang là đội trưởng đội mô-tô thể thao Hà Nội còn ông Vinh là đội trưởng đội mô-tô thể thao TPHCM. “Hội mô-tô TPHCM gồm nhiều anh em đam mê và luôn đi cùng các giải xe đạp. Nếu bảo từ đây yêu cầu họ tham gia xã hội hóa tài trợ cho giải đấu sẽ rất khó. Thế nhưng, chúng tôi với trách nhiệm là những người trong ban chấp hành cũng tin tưởng qua các mối quan hệ và từ những doanh nghiệp về lĩnh vực xe đạp mô-tô có thể chung sức cùng đồng hành với liên đoàn”, Phó Chủ tịch Ngô Quang Vinh chia sẻ thẳng thắn.

Với ông Tuấn, việc tìm các nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của một Liên đoàn thể thao nói chung là điều trăn trở. Dù vậy, họ là những người có mối quan hệ rộng rãi trong xã hội và đang tham gia hoạt động ở lĩnh vực rất được chú ý là mô-tô thể thao nên đó là một nguồn lực dài hạn cho tương lai.

Đừng bận tâm

Nhiều người đã thắc mắc trước việc trưởng bộ môn xe đạp (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Đức Cường không được bầu vào ban chấp hành đại hội kỳ này. Chủ tịch Liên đoàn khóa 5 Đỗ Quý Doãn đã khẳng định “Đại hội tiến hành bầu cử và các lá phiếu đều bầu chọn kín, sự lựa chọn công tâm tìm ra ban chấp hành mới”. Như thế có thể thấy, việc ông Cường không có trong danh sách lựa chọn là ở kết quả tổng thể của phiếu bầu.

Quán xuyến chuyên môn giờ đặt lên vai TTK Nguyễn Ngọc Vũ. Hẳn nhiên, Liên đoàn có ban chuyên môn cụ thể và số người trực tiếp làm công tác ở cả Tổng cục TDTT lẫn Liên đoàn, hiệp hội không nhiều. Điều ấy phù hợp Liên đoàn đứng độc lập làm việc và bộ môn là cơ quan tham mưu. Xét trong tính chuyên môn hóa, tổ chức xã hội sẽ có cách làm riêng của mình để tiến tới phát triển chung chứ không thể mãi bị bó buộc trong tư duy quản lý chồng chéo cũ. 

Theo Saigongiaiphong
Bình luận
Back To Top