Đề xuất điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

00:00 - Thứ Tư, 06/04/2016 Lượt xem: 1559 In bài viết
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh hoạt động thể thao trên cơ sở đặc thù của hoạt động thể thao, thực tiễn tình hình hoạt động kinh doanh thể thao trên toàn quốc và những yêu cầu của hoạt động thể thao trong mối quan hệ với sức khỏe và sự an toàn của người tập.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay kinh doanh hoạt động thể thao đang phát triển tương đối mạnh, tập trung chủ yếu tại các khu vực nội đô, nội thị do nhu cầu giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân ngày càng tăng. Theo thống kê tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chưa tính Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) thì có 2.336 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao ở các môn thể thao cơ bản như: Bóng đá, Thể dục thể hình, Billard, Thể dục thẩm mỹ, võ thuật, bơi lặn, quần vợt, cầu lông, lặn biển, cano kéo dù... Riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 cơ sở, trong đó có khoảng 500 doanh nghiệp thể thao.
Hiện nay việc quản lý các cơ sở kinh doanh này căn cứ vào Luật thể dục, thể thao và hệ thống trên 20 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về điều kiện hoạt động chuyên môn từng môn thể thao nên phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc cần được xử lý như: Một số điều kiện chuyên môn không phù hợp, nhiều môn mới xuất hiện nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dự thảo Nghị định quy định theo hướng khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên đặt ra trong thực tiễn.

Bộ này cũng cho biết, hiện nay, số lượng các môn thể thao ở nước ta có khoảng trên 40 môn (tại SEA Games 28-2015 có tổ chức thi đấu 36 môn thể thao, ngoài ra có rất nhiều môn thể thao không trong chương trình thi đấu), số lượng các môn thể thao sẽ ngày càng mở rộng do nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các môn thể thao từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều hiện nay chủ yếu là các môn võ, thể thao giải trí, thể thao điện tử...

Do vậy để quy định điều kiện đầu tư kinh doanh hoạt động thể thao theo từng môn là không hợp lý vì chúng ta không thể dự liệu hết. Tại dự thảo Nghị định, Bộ đã đề xuất quy định theo hướng có 1 điều (Điều 5) về điều kiện chung áp dụng cho tất cả các hoạt động thể thao và điều (Điều 7) áp dụng cho các nhóm hoạt động thể thao có những nét tương đồng về yêu cầu chuyên môn cho hoạt động kinh doanh ngoài các điều kiện chung gồm: nhóm hoạt động thể thao trong bể bơi, nhóm hoạt động thể thao ngoài trời, nhóm hoạt động thể thao trong nhà tập, sân tập. Mỗi nhóm này có yêu cầu riêng về điều kiện kinh doanh do tính chất khác biệt của nó. Ngoài ra dự thảo Nghị định quy định riêng một điều về điều kiện đối với nhân viên chuyên môn, nhân viên chuyên môn sẽ là điều kiện bắt buộc đối với hoạt động thể thao có hướng dẫn tập luyện và hoạt động thể thao mạo hiểm (Điều 6). Danh mục những môn thể thao phải có người hướng dẫn tập luyện và môn thể thao mạo hiểm do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Về cơ bản cách phân chia như trên đã bao hàm tương đối đầy đủ các hoạt động thể thao đang được tổ chức kinh doanh hiện nay.

Theo VGP News
Bình luận
Back To Top