Hồi hộp và lo âu

00:00 - Thứ Ba, 12/04/2016 Lượt xem: 2416 In bài viết
Tuần này và tuần tới, thể thao Việt Nam ở giai đoạn cao điểm. Một số môn bước vào thi đấu vòng loại Olympic để tìm tấm vé chính thức đầu tiên hoặc có môn tìm thêm vé sau khi đã có suất. Nhìn chung lại, tất cả vẫn là sự thấp thỏm lo âu chỉ vì chiếc vé.

Cách đây 4 năm Huỳnh Châu (phải) từng giành vé chính thức dự Olympic London 2012.

Biết rồi khổ lắm nói mãi...

Hai đội tuyển thể thao của Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại Olympic ở khu vực châu Á là taekwondo và đua thuyền rowing. Hành trình tìm vé chính thức của taekwondo sẽ diễn ra tại Philippines (khởi tranh ngày 14-4). Chúng ta đăng ký 4 gương mặt tranh tài gồm Phan Trung Đức, Nguyễn Văn Duy, Hà Thị Nguyên, Trương Thị Kim Tuyền. Ít nhất ở kỳ Olympic cách đây 4 năm tại London (Anh), taekwondo Việt Nam có 2 suất chính thức với các tuyển thủ Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh.

Sau 4 năm, thể thức tuyển chọn vé đã khác hơn. “Chúng tôi đánh giá là rất khó cho các đội tuyển từng quốc gia tìm vé chính thức. Vòng tuyển chọn ở Philippines là cơ hội duy nhất. Nếu không thành công tại đây thì là chúng ta và những quốc gia khác không còn dịp nào tranh vé dự Olympic 2016 nữa”, trưởng bộ môn taekwondo (Tổng cục TDTT) - ông Vũ Xuân Thành xác nhận. Trong khi đó, đội rowing có 5 tay chèo (4 nữ, 1 nam) đi Hàn Quốc tập huấn và dự vòng tuyển chọn cuối cùng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra tại Hàn Quốc ngày 22-4. Hai tuyển thủ TDDC là Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng sẽ dự vòng loại Olympic vào giữa tuần. Như taekwondo, đua thuyền thì TDDC chỉ có 1 cơ hội cuối cùng là giải trên. VĐV của Việt Nam nếu không thành công, tất cả đều là khán giả của Olympic 2016.

Chỉ tiêu các đội tuyển trên đặt ra vẫn là phấn đấu đạt được 1 suất chính thức Olympic. Làm thế nào để cụ thể hóa được lại là câu chuyện ở bản thân VĐV. Ngành thể thao đưa những môn trên vào nhóm có đầu tư cao, có VĐV được hưởng chế độ dành cho VĐV xuất sắc (800 ngàn đồng/người/ngày), có được ra nước ngoài tập huấn. Nếu không được suất Olympic 2016, nhà quản lý chỉ tự trách mình. Tất nhiên, không thể lấy kết quả huy chương tại SEA Games và Asian Games, mọi người sớm khẳng định VĐV của ta mạnh trong nội dung. Thi đấu tranh vé Olympic là cuộc chơi khác hoàn toàn.

Có vé để thêm... tiền

Môn vật sẽ đi Mông Cổ dự tiếp vòng tuyển chọn Olympic với 2 tuyển thủ Phạm Thị Loan, Kiều Thị Ly. Cùng với họ, cử tạ cũng cử Vương Thị Huyền đấu vòng tuyển chọn Olympic của châu Á sắp tới. Đây là các môn đã có từ 2 suất chính thức Olympic 2016 trở lên. Họ nếu giành thêm vé chính thức tiếp theo, điều này rất mừng. Và thấy rõ, môn thể thao có nhiều suất chính thức dự Olympic nghĩa là môn thành công. Sự đầu tư cần cao hơn. Chúng ta có nhóm 1 gồm bơi lội, cử tạ, TDDC, điền kinh, bắn súng. So với một số môn khác, những môn trọng điểm chưa bằng được về... suất Olympic 2016.

Tuy nhiên, đầu tư cụ thể những môn thể thao tầm cỡ Olympic là chiến lược phù hợp trong sự phát triển của thể thao hiện đại. Chỉ có điều, những môn ngoài nhóm trọng điểm, khi đạt kết quả tốt, ngành TDTT cần xem xét đầu tư thêm. Ngành TDTT cũng biết, việc đạt được 20 hoặc 25 suất chính thức dự Olympic 2016 là sự kỳ vọng. Thế nhưng, nhà quản lý hoàn toàn không chỉ mong đi đông cho đủ chỗ mà cũng rất cần đi đấu có chất lượng, giành được huy chương.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top