Câu chuyện Olympic

Tuyên chiến với doping

00:00 - Thứ Ba, 12/04/2016 Lượt xem: 3264 In bài viết
Vài tháng trước ngày khởi tranh Olympic Rio de Janeiro 2016, nhiều VĐV đã bị tước quyền tham dự vì dính doping, dàn xếp bán độ, đánh bạc... Nhưng có thể mọi chuyện chưa dừng lại, nhất là sau khi IOC (UB Olympic quốc tế) khuyến khích các quốc gia loại trừ những trò bẩn và công khai tuyên chiến với tiêu cực trong thể thao...

Có 2 sự kiện mà những người làm thể thao Việt Nam chắc sẽ nhớ mãi trong đời, luôn coi đấy như bài học răn mình và răn các học trò không mắc phải sai lầm thêm nữa, là vụ “búp bê” TDDC Đỗ Thị Ngân Thương bị phát hiện doping ở Olympic Bắc Kinh 2008 và lực sĩ Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu trước thềm Asiad 2010 cũng chỉ vì sử dụng chất cấm.

Điền kinh là môn thể thao bị phát hiện doping nhiều nhất.

Đấy là những cú sốc mà ngay khi được công bố, đã khiến cả làng thể thao Việt Nam rúng động. Xưa nay, thể thao Việt Nam mỗi lần bước chân ra thi đấu quốc tế đều được xem là trung thực, là cao thượng. Thế cho nên, ngay cả khi nguyên nhân được hiểu rằng vì VĐV của chúng ta hổng kiến thức trong việc dùng thuốc bổ, thuộc trị bệnh nên mới dẫn đến hậu quả khôn lường, sử dụng chất cấm trong danh mục mà tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA) đã khuyến cáo loại trừ.

Kể từ năm 2012, Tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA) đã đề xuất đưa thêm luật “cấm Olympic”, tức cấm thi đấu suốt đời đối với VĐV bị phát hiện sử dụng doping ở Olympic. Điều này nhằm ngăn ngừa các trường hợp trước đây có nhiều VĐV bị phát hiện sử dụng doping, nhưng sau đó chỉ bị cấm vài năm rồi quay lại thi đấu tiếp..

Thể thao Việt Nam bỗng trở nên thận trọng hơn trong mỗi chuyến xuất ngoại. Nhưng điều quan trọng nhất để giúp hạn chế tình trạng dùng thuốc bừa bãi và ít nhiều VĐV từng dính doping thì chúng ta chưa làm được, tức là xét nghiệm máu thường xuyên ở các giải VĐQG, chủ yếu vì quá tốn kém tiền bạc để xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn cỡ ở Bắc Kinh, hoặc trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên về khoa học TDTT không cao...

Thế cho nên, tiềm ẩn trong Đoàn thể thao Việt Nam là mối lo khó nói thành lời. Tức là, những VĐV đã có suất dự tranh SEA Games, Asiad hay Olympic gần như lãng quên khâu kiểm tra doping trước khi lên đường. Cứ mặc nhiên rằng VĐV của chúng ta là trung thực, là an toàn. Nghe có vẻ chủ quan nhưng vì thực tế này tồn tại từ rất lâu rồi nên những người làm thể thao cũng quen dần và coi đấy như một phần rủi ro phải chấp nhận (nếu xảy ra). Mãi tới gần đây, theo thừa nhận của nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, ông Lâm Quang Thành, động tác này mới được để quan tâm.

Olympic 2016 cũng chẳng còn cách bao xa. Thể thao Việt Nam đang hối hả chạy đua cùng bạn bè để tranh những tấm vé chính thức cuối cùng đến mùa hè Rio de Janeiro. Ở đó, có những môn trọng điểm và khá nhạy cảm với vấn đề doping, là điền kinh, bơi lội, teakwondo, judo, đua thuyền... Và ở đó, rất nhiều VĐV của Nga, Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, châu Phi bị phát hiện sử dụng chất cấm để mưu cầu thành tích và tìm kiếm cơ hội được góp mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic 2008) cũng từng bị phát hiện doping.

Mới đây thôi, tay vợt số hai thế giới Kento Momota bị cấm tham dự Olympic Rio 2016 vì tội đánh bạc trái phép. Quyết định cấm với Momota được Liên đoàn Cầu lông Nhật Bản công bố hôm 10-4 vừa qua. Tay vợt sinh năm 1994 dù đứng số 2 thế giới, chắc chắn đủ điều kiện dự Olympic Rio sắp tới nhưng đã tự hủy hoại tương lai của chính mình. Người đồng đội Kenichi Tago cũng bị loại khỏi Liên đoàn vì hành vi tương tự. Tại Nhật Bản, đánh bạc là hành vi phạm pháp. Người bị kết tội có thể đối diện mức án phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.

Chưa kể, điền kinh, bơi lội và quần vợt nước Nga cũng phát hiện quá nhiều trường hợp gian lận trong thi đấu và lạm dụng thuốc cấm, đến mức IOC phải tuyên bố cấm VĐV nhiều môn của nước này dự tranh Olympic 2016 để làm gương trước toàn thế giới thể thao. Không có bất kỳ sự ưu ái nào trong cuộc chiến vì thể thao trung thực và cao thượng mà IOC đang phát động khắp nơi...

Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) cho thấy sự quyết liệt trong việc ngăn chặn tiêu cực trong môn thể thao này, sau bê bối dàn xếp tỷ số ở nội dung đôi tại Olympic Luân Đôn 2012. Bên cạnh việc cấm thi đấu tạm thời với 8 VĐV Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc tham gia bán độ, BWF sẽ xử phạt mạnh tay những trường hợp bao che, hoặc không phối hợp với cơ quan điều tra: “BWF cam kết làm sạch môn thể thao này và hệ thống quy tắc được áp dụng cho tất cả mọi người chơi cầu lông. Quy định này áp dụng cho tất cả mọi người liên quan đến môn cầu lông và đề cập đến những trường hợp liên quan đến sự phát triển của môn thể thao này. Chúng tôi có thể yêu cầu truy hỏi bất kỳ ai trong môn thể thao này, đồng thời, có quyền yêu cầu những người bị nghi ngờ phạm tội giao điện thoại, laptop và các thiết bị ghi âm".

***

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao Nguyễn Hồng Minh: “Tôi cho rằng mỗi VĐV dính doping theo cách khác nhau. Chẳng hạn như trường hợp của VĐV Đỗ Ngân Thương đã dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân. Trường hợp này, cá nhân tôi đánh giá Ngân Thương đã tự dùng thuốc một cách thiếu ý thức và hiểu biết. Còn trường hợp của VĐV Hoàng Anh Tuấn là một sự đáng tiếc. Hồi đó, Tuấn được cử đi tập huấn tại Bulgaria, khi đội tuyển cử tạ Bulgaria bị phát hiện sử dụng chất cấm, thì đương nhiên Tuấn cũng nằm trong số đó vì ăn tập nhiều ngày cùng đội. Cá nhân tôi từng có một kỷ niệm tại Asiad ở Qatar năm 2006. Khi đó, HLV đội tuyển thể hình Việt Nam thông báo trong hành lý một VĐV thể hình có chất cấm. Với vai trò là trưởng đoàn khi đó, tôi ngay lập tức cấm VĐV được nhập cảnh. Vì thế mà chúng ta không có VĐV thể hình nào bị phát hiện sử dụng doping tại đại hội”.

 

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top