Đau đầu vì “vua sân cỏ”

00:00 - Thứ Ba, 10/05/2016 Lượt xem: 2459 In bài viết
Cách đây chưa đầy một tuần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Cao Văn Chóng đã khẳng định: 90% các tình huống phản ứng trọng tài của HLV và cầu thủ là không đúng.

Nhưng sau vòng 9, Giải vô địch Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (V.League) vừa qua, các tình huống phản ứng trọng tài không đúng có lẽ đã không như lời ông Chóng nói. Câu chuyện "vua sân cỏ" đang làm đau đầu không chỉ các đội bóng mà còn là của VPF và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Cách đây chưa đầy một tuần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Cao Văn Chóng đã khẳng định: 90% các tình huống phản ứng trọng tài của HLV và cầu thủ là không đúng.

Ông Cao Văn Chóng từng nói, VPF đang rất muốn xây dựng diện mạo mới theo chiều hướng ngày một tích cực cho mùa V.League cũng như các giải đấu khác do mình tổ chức. Trong số này, cầu thủ, HLV và trọng tài sẽ là hạt nhân. Đặc biệt, vai trò của các trọng tài - những ông "vua sân cỏ" được đề cao. Thế nhưng, từ đầu mùa bóng đến nay, V.League 2016 đã chứng kiến không ít trọng tài bị đội bóng phản ứng.

Chiều tối 8-5, sự phản ứng thực sự bùng phát dữ dội trong trận Thanh Hóa - Sông Lam Nghệ An. Việc "ông vua áo đen" Hà Anh Chiến "kéo" điểm đá phạt từ ngoài vòng cấm địa vào chấm 11m để Thanh Hóa gỡ hòa 2-2 trước Sông Lam Nghệ An khiến người ngoài cuộc cũng khó chấp nhận nổi. Lãnh đạo VPF, Ban trọng tài quốc gia đều thống nhất đấy là sai sót khó chấp nhận của trọng tài Hà Anh Chiến. Ông Hà Anh Chiến có điểm quan sát thuận lợi nhưng lại đưa ra quyết định khó tin là cho Thanh Hóa hưởng phạt đền, dù điểm phạm lỗi ở ngoài vòng 16m50. Vì thế, người hâm mộ có thể hiểu được phản ứng của HLV trưởng Sông Lam Nghệ An Ngô Quang Trường sau quyết định trên.

Trong quá khứ từng có tiền lệ trọng tài nhận tiền để đưa kết quả trận đấu theo hướng có lợi cho một số đội. Cũng đã có trọng tài bị truy tố khiến bóng đá Việt Nam ngày càng mất giá. Vì vậy, khi VPF tiếp nhận việc tổ chức các giải bóng đá nam quan trọng trong hệ thống thi đấu quốc gia như V.League, Cúp quốc gia, Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia, vấn đề làm thế nào để tạo nên hình ảnh "sạch" ở các "ông vua sân cỏ" càng được coi trọng. Vì vậy, VPF mới có một loạt chính sách đãi ngộ để các trọng tài yên tâm cống hiến, điều hành trận đấu sao cho khách quan, vô tư nhất. Nhưng nếu trọng tài vẫn tạo ra những chuyện như trong trận Thanh Hóa - Sông Lam Nghệ An thì công sức xây dựng hình ảnh V.League của VPF sẽ xuống sông, xuống biển. Lúc đó, giải đấu sẽ càng mất giá trong mắt khán giả và nhà tài trợ.

Tất nhiên, chưa thể khẳng định ngay quyết định của vị trọng tài trên là "lỗi tư tưởng" hay "lỗi chuyên môn". Nhưng rõ ràng, đấy sẽ là "điểm tối" trong công tác trọng tài ở V.League 2016. Thế nên, khi Ban trọng tài có quyết định không phân công nhiệm vụ cho trọng tài Hà Anh Chiến ở những vòng đấu tới cũng chỉ là giải quyết phần ngọn. Điều quan trọng là phải làm gì không để xảy ra những sai sót như đã nêu ở trên.

Cũng tại vòng 9, V.League 2016, ở trận đấu Hà Nội T&T - Hải Phòng, trợ lý trọng tài Trần Duy Khánh đã không công nhận bàn thắng cho Hà Nội T&T trong hiệp 1 dù bóng đã qua vạch vôi. Tuy nhiên, lỗi của trợ lý trọng tài Trần Duy Khánh được thống nhất là do thuần túy chuyên môn vì tình huống xảy ra quá nhanh. Và tất nhiên, vị trợ lý trọng tài này cũng sẽ tạm thời không được phân công làm nhiệm vụ ở vòng đấu tới.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top