Hướng đến Olympic 2016: 2 tỷ đồng cho tấm HCV

00:00 - Thứ Sáu, 27/05/2016 Lượt xem: 3399 In bài viết
1. Bắn súng đang trở thành môn đi đầu trong các nhóm môn thể thao thành tích cao đạt suất chính thức Olympic 2016. Mức thưởng của bắn súng dành cho cá nhân VĐV gần 2 tỷ đồng, nếu đoạt HCV. Theo tìm hiểu, những người chấp nhận bạo chi để dành cho xạ thủ đoạt huy chương Olympic như vậy là nhóm mạnh thường quân Công ty cổ phần đầu tư thể thao và Tập đoàn Synopex (Hàn Quốc).

Trưởng bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) – bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ, phần thưởng được treo cho VĐV là sự khích lệ với từng người nhưng với đặc thù thi đấu của bắn súng, các xạ thủ đạt được huy chương vẫn là kỳ vọng. Chúng ta còn nhớ, khi chuẩn bị Olympic 2012, một nhà tài trợ của Hàn Quốc đã treo mức thưởng 50.000 USD (tương đương hơn 1 tỷ đồng) nếu võ sĩ taekwondo nào của Việt Nam giành HCV Olympic ở London.

Năm 2012, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh suýt làm nên lịch sử khi bài bắn 50m súng ngắn nam khi chỉ kém VĐV giành HCĐ 0,01 điểm ở chung kết.

Rốt cuộc, không ai đạt được thành tích trên. Năm đó, riêng Ủy ban Olympic Việt Nam cũng đồng ý thưởng 5.000 USD cho 1HCV, 3.000 USD cho HCB và 2.000 USD cho HCĐ. Mức thưởng đưa ra là động lực và sự khích lệ vật chất dành cho VĐV nhưng VĐV của Việt Nam rất khó giành được HCV cao nhất. Treo thưởng kết quả Olympic hoàn toàn bình thường trong các nền thể thao phát triển ở thế giới hay tại khu vực Đông Nam Á. Năm 2012, trường hợp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh suýt làm nên lịch sử khi bài bắn 50m súng ngắn nam khi chỉ kém VĐV giành HCĐ 0,01 điểm ở chung kết.

Khi đó, nếu Xuân Vinh thêm chút may mắn tạo được thành công thì đó là điều quá mỹ mãn cho bắn súng Việt Nam. Tại kỳ chuẩn bị Olympic 2016, nếu không có mức thưởng treo của các Mạnh thường quân, nhóm xạ thủ giành suất Olympic 2016 là Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường đã và đang tập luyện thi đấu đúng nhiệm vụ. Trên hết, xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh từng chia sẻ “chúng tôi thi đấu vì màu cờ sắc áo và được góp mặt tại một kỳ Olympic là vô cùng vinh dự”.

2. Bắn súng có may mắn khi tìm được Mạnh thường quân như Công ty cổ phần đầu tư thể thao Tập đoàn Synopex đồng hành để treo mức thưởng. Nhiều môn thể thao khác có tuyển thủ đạt suất Olympic đang mòn mỏi tìm nhà tài trợ sẽ treo thưởng nhằm khích lệ tinh thần VĐV.

Thực tế, thể thao Việt Nam có đặc thù riêng còn đang trong quá trình phát triển, VĐV đạt được suất chính thức dự Olympic vô cùng quan trọng. Họ cần được ghi nhận công sức. Đáng tiếc, tất cả các quy định ban hành về trao thưởng dành cho thể thao, chưa mục nào đưa ra phải thưởng cho VĐV giành vé chính thức Olympic. Theo sát từng đội tuyển thể thao thành tích cao, chúng tôi biết rằng, ngay sau các vòng loại Olympic và giải đấu tính chuẩn Olympic, khi VĐV của Việt Nam đạt suất, những nhà quản lý bộ môn hay liên đoàn đều trực tiếp bỏ tiền túi thưởng nóng ngay khích lệ học trò.

Phần thưởng dù nhỏ nhưng lại ứa nước mắt vì chỉ người làm nghề biết với nhau. Trong khi, giành suất Olympic với thể thao Việt Nam hiện là khó nhưng kết quả VĐV không được tưởng thưởng xứng đáng. Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn đã khẳng định lãnh đạo ngành cùng Viện khoa học TDTT đang xây dựng quy chế và trình cơ quan quản lý tại Bộ VH-TT-DL để có cơ chế thưởng xứng đáng cho tuyển thủ đạt suất Olympic. Dù thế, bao giờ quy chế ra đời, mọi người vẫn chờ thời gian.

Theo tìm hiểu, ngoài bắn súng đã tìm được Mạnh thường quân tài trợ trao thưởng cho kết quả Olympic thì nhiều môn như điền kinh, cử tạ, cầu lông, bơi lội, đua thuyền, TDDC… cũng đang xúc tiến để Liên đoàn, Hiệp hội của mình phải có mức treo thưởng tương xứng với kết quả Olympic.

Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu đã quy định rõ mức thưởng nếu VĐV giành HCV Olympic thì một HCV nhận thưởng 160 triệu đồng, HCB là 80 triệu đồng/huy chương và HCĐ là 60 triệu đồng/huy chương. Trong lịch sử thể thao Việt Nam (tính tới trước Olympic 2016), chúng ta có 2 HCB Olympic do công của VĐV Trần Hiếu Ngân – taekwondo (Olympic 2000) và Hoàng Anh Tuấn – cử tạ (Olympic 2008).

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top