Cờ vua Việt Nam: Khát sân chơi

00:00 - Chủ Nhật, 05/06/2016 Lượt xem: 3611 In bài viết
Hiện nay, cờ vua Việt Nam đang thi đấu 2 giải quốc tế. Trong lúc các đàn anh tranh tài tại sân chơi châu Á ở Tashkent, Uzbekistan từ 26-5 đến 5-6 thì các đàn em cũng tham dự Giải vô địch cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng 2016 tại Pattaya, Thái Lan từ 30-5 đến 7-6.

1. Giải vô địch Đông Nam Á mở rộng lần này thu hút 339 kỳ thủ thuộc 14 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Kyrgyzstan, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Thụy Sĩ, Việt Nam và chủ nhà Thái Lan, tranh tài 3 nội dung cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp nhoáng ở các nhóm tuổi: U8, 10, 12, 14, 16, 18&20, trên 50, trên 65. Song song với giải đấu, Liên đoàn Cờ vua Đông Nam Á còn tổ chức thêm Giải vô địch Đông Nam Á dành cho nội dung cờ ASEAN (thi đấu khác với cờ vua).

Nhân dịp các em nghỉ hè và với kinh phí xã hội hóa, đội Việt Nam cử lực lượng hùng hậu với 143 kỳ thủ tham dự đầy đủ các nội dung để cọ xát, trao đổi kinh nghiệm đồng thời thư dãn sau 1 năm học căng thẳng. Ở 16 Giải vô địch Đông Nam Á trước đây, Việt Nam luôn giành vị trí hạng nhất toàn đoàn.

Cờ vua Việt Nam vẫn đang thiếu những sân chơi tầm quốc tế.

Trên sân chơi châu lục, các kỳ thủ Việt Nam vừa kết thúc nội dung cờ tiêu chuẩn. Thật đáng tiếc, thất bại trước Sethuraman S.P. (Ấn Độ) ở ván cuối, Lê Quang Liêm chỉ giành được HCB và 1 suất tham dự World Cup nam vào năm sau, trong lúc Nguyễn Ngọc Trường Sơn về đích thứ 7, Nguyễn Huỳnh Minh Huy hạng 46/91. Nếu giải nam lấy đến 5 suất dự World Cup thì giải nữ chỉ dành cho ngôi vô địch nên đội nữ Việt Nam không được suất nào vì Nguyễn Thị Mai Hưng về đích thứ 4, Hoàng Thị Bảo Trâm hạng 5, Võ Thị Kim Phụng hạng 6 và Phạm Lê Thảo Nguyên hạng 16/35.

2. Sắp tới, một trong những giải đấu quan trọng của cờ vua Việt Nam là Olympiad tổ chức tại Baku, Azerbaijan vào tháng 9. Olympiad là giải đấu lớn, tổ chức 2 năm 1 lần, thu hút khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi nước được cử 2 đội (nam, nữ), mỗi đội 5 người (1 dự bị) tham dự. Trước đây, đội nam Việt Nam từng lọt vào tốp 10 (xếp trên một số cường quốc về cờ vua): xếp hạng 9 tại Đức năm 2008, xếp hạng 7 ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, ở Giải vô địch các nhóm tuổi trẻ thế giới (cũng vào tháng 9 ở Nga), Nguyễn Anh Khôi sẽ thi đấu đúng với lứa tuổi 14 của mình nên có nhiều khả năng giành thành tích cao.

Dù vậy, theo giới chuyên môn, để các tài năng Việt Nam có thêm cơ hội phát triển thì các kỳ thủ cần thêm kinh phí để dự các giải mời mà không bị áp lực thành tích. Đây là cách “tập huấn tốt nhất” để có thể thành công ở các giải đấu chính thức chứ không thể “tập chay” với đồng đội mà yêu cầu giải nào cũng phải có huy chương. Vấn đề đặt ra là làm sao thu hút được nhiều doanh nghiệp, Mạnh thường quân tham gia hỗ trợ thêm kinh phí cho VĐV đi thi đấu chứ không chỉ tập trung cho khen thưởng.

Mặt khác, như nhiều môn thể thao khác, không ít kỳ thủ cũng không khỏi trăn trở về tương lai của mình sau một thời gian dài góp sức cho ngành TDTT. Một chính sách hợp lý sẽ giúp các VĐV an tâm để tiếp tục rèn luyện và cống hiến, từ đó mới có thể xuất hiện thêm kỳ thủ vượt cột mốc elo 2700, chứ không chỉ mỗi một mình Lê Quang Liêm như hiện tại. 

 Tại Giải Đông Nam Á 2016, các kỳ thủ Việt Nam tiếp tục thắng lớn ở nội dung cờ tiêu chuẩn với ngôi địch cá nhân của Đặng Anh Minh (U8 nam), Ngô Đức Trí (U.12 nam), Lê Minh Hoàng (U.16 nam), Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Anh Khôi (U.18 nam), Trần Tuấn Minh (U.20 nam), Nguyễn Hồng Nhung (U.10 nữ), Nguyễn Thiên Ngân (U.12 nữ), Lê Thúy An (U.14 nữ), Nguyễn Hồng Ngọc (U.16 nữ)… Nếu tính luôn giải đồng đội, Việt Nam đoạt 25 HCV, 23 HCB, 30 HCĐ; kế đến là Philippines (8, 17, 9), Trung Quốc (7, 0, 1)…

Kỳ thủ Nguyễn Thị Mai Hưng đoạt HCV cờ chớp nhoáng Giải vô địch châu Á 2016 kết thúc tối qua 4-6 với 7,5 điểm sau 9 ván, Kim Phụng hạng 8, Thảo Nguyên hạng 18 và Bảo Trâm hạng 21. Ở giải nam, Quang Liêm chỉ giành được HCB, Minh Huy hạng 9 và Trường Sơn hạng 17.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top