Hướng tới Olympic 2016: Đủ và thiếu

10:30 - Thứ Năm, 09/06/2016 Lượt xem: 3994 In bài viết
Nếu tính ra, thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu trong cuộc chạy đua giành vé đến mùa Hè Brazil 2016. Tuy nhiên, giới làm nghề có vẻ chưa hài lòng khi nhóm số môn được xem là trọng điểm lại lép vế trước các đồng nghiệp, trong đó có điền kinh, bơi lội và taekwondo...
Thất bại của 3 kình ngư nam Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi và Lâm Quang Nhật ở giải bơi Monte Carlo (Monaco) mới đây càng như sát muối vào lòng những người làm chuyên môn. Không ai trong số 3 gương mặt được kỳ vọng đó vươn đến chuẩn A ở các cự ly bơi tự do, ngửa... đành chờ cơ hội nhận “vé vớt” từ Liên đoàn bơi lội thế giới (FINA) tới đây.

 

VĐV Nguyễn Thị Huyền đang chờ quyết định cuối cùng từ IAAF (LĐĐK thế giới) xét duyệt suất tham dự Olympic 2016.

Đến Olympic là một vinh dự, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu xuất hiện bằng tấm vé chính thức, thay vì được ưu tiên. Thành thử, ngay cả khi 1 trong 3 VĐV kể trên được chọn tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, thì tư thế của bơi lội Việt Nam cũng ít nhiều bị phủ mờ. Nếu không có phong độ ấn tượng của “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên, người liên tiếp vượt chuẩn A ở các giải đấu mà cô tham dự tại Mỹ, bơi lội sẽ rơi vào hoàn cảnh thật trớ trêu. Dẫu biết rằng, trình độ của các VĐV Việt Nam chưa thể so sánh với bạn bè thế giới, đặc biệt ở các nội dung nam, nhưng thất bại trong cuộc chạy đua đến Brazil cũng phần nào khiến giới mộ điệu quan ngại cho tương lai phía trước.

Trong khi đó, điền kinh vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ IAAF (LĐĐK thế giới) về trường hợp xét duyệt suất tham dự cho VĐV Nguyễn Thị Huyền ở các cự ly 400m và 400m rào nữ. Vẫn có chút niềm tin đối với cơ may của Huyền vì cả 2 chuẩn mà cô đạt được ở SEA Games 28 hồi năm ngoái được tính là chuẩn A (điền kinh không phân loại chuẩn A và B khi chọn lựa VĐV cho Olympic 2016, mà quy về 1 chuẩn duy nhất).

Về cơ bản, như thế vẫn tính là điền kinh đã thất bại. Từ trước khi Nguyễn Thành Ngưng bất ngờ lấy vé chính thức ở nội dung 20km đi bộ nam, giới làm nghề đã lo lắng về chiến dịch “tấn công” Olympic của môn thể thao nữ hoàng. Hàng loạt gương mặt được cho là tài năng và được đánh giá đủ năng lực đạt chuẩn như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Bùi Thị Thu Thảo, Phạm Thị Diễm, Lê Trọng Hinh... không thu được kết quả nào đáng kể ở các giải đấu mà họ tham dự suốt thời gian qua.

Nhưng ít ra, dù còn trăn trở nhưng bơi lội và điền kinh vẫn có vé Olympic và được nhắc đến thường xuyên. Ngược lại, thất bại toàn diện của taekwondo - môn thế mạnh từng giúp thể thao Việt Nam giành HCB tại Sydney 2000 - đã thể hiện sự tuột dốc không phanh về đào tạo VĐV trẻ tài năng, sau thời của những tên tuổi Hiếu Ngân, Nhất Thống, Văn Hùng, Huyền Diệu, Hoài Thu... Lần đầu tiên sau 16 năm, taekwondo “trắng” VĐV ở đấu trường lớn.

Vấn đề là ngay thất bại, vẫn chưa có động thái đánh giá hay quy trách nhiệm nào cho tập thể hay cá nhân từ phía Tổng cục TDTT, bộ môn hay kể cả Liên đoàn taekwondo Việt Nam, dù môn này vốn dĩ “ngốn” không ít kinh phí đầu tư của ngành trong nhiều năm qua.

Các võ sĩ taekwondo Phan Văn Duy (dưới 58kg nam), Phan Trung Đức (dưới 68kg nam), Kim Tuyền (dưới 49kg nữ) và Hà Thị Nguyên (dưới 67kg nữ) cùng thất bại ở vòng loại Olympic 2016 khu vực châu Á diễn ra ở Philippines hồi giữa tháng 4. Đáng tiếc nhất là ở hạng cân dưới 67kg nữ của Hà Thị Nguyên chỉ có 8 võ sĩ tham dự, nhưng võ sĩ của Việt Nam không thể biến giấc mơ Olympic thành hiện thực.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top