Bơi lội Việt Nam: Mở rộng tấm lòng

15:18 - Thứ Sáu, 21/10/2016 Lượt xem: 4622 In bài viết
Không phải đến bây giờ Lê Nguyễn Paul mới được biết đến mà 2 năm trước, kình ngư Việt kiều sinh năm 1992 này đã chính thức trở thành một phần của làng bơi lội Việt Nam, thi đấu dài hạn trong màu áo của đội bơi lội An Giang và cả đội tuyển quốc gia. Năm ngoái, vì không lo kịp thủ tục nên Lê Nguyễn Paul đã lỡ “chuyến tàu” dự SEA Games 28 ở Singapore, mất cơ hội giúp bơi lội Việt Nam giành thêm những tấm huy chương ở đấu trường khu vực.

Giờ đây, kình ngư người Mỹ gốc Việt (sinh sống tại Mỹ nhưng cha mẹ là người Việt) đã tạo dấu ấn mạnh mẽ tại giải bơi lội VĐQG 2016 khi liên tiếp giành được những tấm HCV ở các cự ly 50m ngửa, 50m bướm, 100m ếch. Thậm chí, kình ngư 24 tuổi này còn vượt qua cả “rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước - người vẫn được đánh giá là nam kình ngư số 1 Việt Nam.

 

Kình ngư Việt kiều Lê Nguyễn Paul tạo dấu ấn ở giải bơi VĐQG 2016.

Trở thành kình ngư Việt Kiều đầu tiên giành HCV ở giải bơi trong nước, Lê Nguyễn Paul cũng đồng thời mở ra một cơ hội mới cho những VĐV môn thể thao này đang sinh sống và tập luyện ở nước ngoài có thể trở về phục vụ đất nước. Đã không còn rào cản nào tồn tại trong thể thao và ngành TDTT nước nhà cũng mừng vì trái tim của những người con xa xứ vẫn luôn hướng về quê hương.

Cầu nối cho “mối tình” giữa Lê Nguyễn Paul (năm ngoái cho cả Nguyễn Yung Thomas) với bơi lội An Giang là HLV Đặng Anh Tuấn, thầy của “siêu kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên. Ông Tuấn thuộc biên chế của ngành TDTT An Giang và ĐTQG, nên việc hướng các VĐV Việt kiều về xây dựng bơi lội cho tỉnh miền Tây cũng chẳng có gì lạ. Điều quan trọng là ông Tuấn đã giúp họ xích lại gần với ngành TDTT, kỳ vọng họ đóng góp tận tâm, tận lực cho bơi lội nước nhà.

Bơi lội thì mới đây, nhưng quần vợt, bóng đá, bóng rổ hay TDDC và điền kinh đã từng trở thành tâm điểm của dư luận khi dang rộng vòng tay chào đón những VĐV Việt kiều về nước thi đấu. Lee Nguyễn là điển hình trong bóng đá, dù tiền vệ tài hoa này không thành công ở đấu trường V-League. Quần vợt rất sôi nổi khi xuất hiện những tay vợt Việt kiều triển vọng Ngô Việt Hà (Nga), Vũ Artem (Ucraina), Tiffany Nguyễn và Daniel Nguyễn (Mỹ), Nguyễn Marsall David (Pháp), Lian và Demi Trần (Hà Lan)…

Thể thao Việt Nam đã tạo được tiếng vang trên đấu trường quốc tế nhờ những “đại sứ” như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Hương… và nhờ thế, làn sóng VĐV Việt kiều xin được về phục vụ thể thao nước nhà ngày càng nhiều, đa dạng và tất cả họ đều trải qua những cuộc sàng lọc về chuyên môn, về tinh thần ý chí trong tập luyện và thi đấu.

Tất nhiên, không phải bất cứ ai được đào tạo ở nước ngoài đều giỏi cả, nhưng điều đó sẽ tạo nên một động lực mới và sự cạnh tranh lành mạnh cho các môn thể thao trọng điểm của chúng ta phát triển.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top