Bơi lội Việt Nam - Cơ hội vàng

09:50 - Thứ Ba, 25/10/2016 Lượt xem: 4102 In bài viết
Những tranh cãi ở quốc nội đã tạm gác lại. Giờ, các kình ngư Việt Nam bước ra thi đấu quốc tế trong màu áo đội tuyển quốc gia và ai sẽ nổi bật tại Tokyo (Nhật Bản) mới quan trọng.

Ánh Viên và kết quả

Không dự giải VĐQG 2016, Ánh Viên đã thành tâm điểm chú ý đáng kể. Những ngày ở Hà Nội của nữ kình ngư người Cần Thơ đã khép lại, cô được di chuyển tới Nhật Bản thi đấu. Ở nơi xa và hoàn toàn tập trung cho giải quốc tế, Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn không còn bị áp lực từ giới truyền thông ở chuyện thi đấu hay không thi đấu.

 

Ánh Viên làm khán giả tại giải VĐQG 2016.

Lần thứ 2 trong sự nghiệp, Nguyễn Thị Ánh Viên được thi đấu giải thuộc FINA World Cup của bơi lội thế giới. Năm 2015, Viên đã dự hệ thống FINA World Cup sau khi tranh tài giải VĐTG tại Nga. Viên được đăng ký 2 chặng tại FINA World Cup 2015 diễn ra ở Nga và Pháp. Trong giải này, Viên vẫn tập trung chủ yếu vào cự ly 400m hỗn hợp và 200m hỗn hợp sở trường.

Kết quả tốt nhất tại FINA World Cup 2015 của Ánh Viên là chặng ở Nga với vị trí thứ 2 nội dung 400m hỗn hợp (4’40”79) và hạng 3 nội dung 200m hỗn hợp (2’12”33). Sau đó, cô được đi Pháp tiếp tục tranh tài một chặng tại đây nhưng chỉ xếp hạng 4 cự ly 200m hỗn hợp và hạng 3 nội dung 400m hỗn hợp (4’42”53). Tính chất chuyên môn trong thi đấu của FINA World Cup là thấp hơn nhiều với giải VĐTG. Không nhiều VĐV hàng đầu thế giới đăng ký giải này. Đồng thời, chủ nhà được đăng ký số VĐV đông đảo của mình góp mặt như một dịp kiểm tra thành tích.

Viên không bơi giải VĐQG 2016 (trên đăng ký ban đầu là có dự để kiểm tra thành tích) nên mọi chỉ số của VĐV này vẫn khá giữ kín từ sau Olympic 2016. Ánh Viên sẽ ra bơi tại World Cup 2016 và liệu nữ kình ngư của ta đạt chỉ số chuyên môn như thế nào trước các đối thủ quốc tế? Mọi người đang ngóng đợi.

Tại Hà Nội vừa qua, không thi đấu, Ánh Viên vẫn xuống nước tập khối lượng hàng ngày từ HLV Đặng Anh Tuấn yêu cầu. Nếu Viên không đạt chỉ số cao tại World Cup 2016 (chặng tại Nhật Bản) chưa vội thất vọng. Chặng thi đấu này được xác định bước đệm thử nghiệm. Giải chính là vô địch châu Á lần thứ 10-2016 sẽ thi đấu tại Tokyo (Nhật Bản) trong tháng 11.

Paul đang nổi bật

FINA World Cup 2015 năm ngoái, bơi nam Việt Nam chỉ có VĐV Việt kiều Lê Nguyễn Paul góp mặt. Lê Nguyễn Paul cũng giống Ánh Viên đó là thử sức 2 chặng tại Nga và Pháp (khi đó, kình ngư này trước đó cùng đội bơi Việt Nam dự giải VĐTG 2015). Sự bứt phá của chàng trai Việt kiều tại giải bơi VĐQG 2016 là kết quả ấn tượng cho riêng VĐV này. Kình ngư này cũng thận trọng cho biết mình bước ra thế giới còn nhiều đối thủ mạnh hơn để học tập và phấn đấu.

 

Kình ngư Lê Nguyễn Paul.

FINA World Cup 2015, Lê Nguyễn Paul dồn toàn lực vào các cự ly của nội dung bơi ngửa. Qua thi đấu, bản thân Lê Nguyễn Paul cũng có một kết quả khả quan là lọt vào chung kết (đứng hạng 7 chung cuộc) tại 200m ngửa ở chặng tại Nga (2’03”88)). Trong chặng đấu tại Pháp, Lê Nguyễn Paul đứng hạng 8 cự ly 100m ngửa 56”31). Chúng ta đang theo dõi Lê Nguyễn Paul thể hiện ra sao tại giải quốc tế. FINA World Cup 2016 với chặng tại Nhật Bản là bước đệm. Lê Nguyễn Paul sau đó được đăng ký dự giải vô địch châu Á 2016.

Bơi nam Việt Nam còn có Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi cũng dự vô địch châu Á 2016. Một điểm tiếc là Hoàng Quý Phước không thi đấu giải vô địch châu Á 2016. Kình ngư nam của Đà Nẵng sẽ trở lại Hungary tập huấn thay vì đi Nhật Bản thi đấu.

Phương Trâm khởi động sớm

Nguyễn Diệp Phương Trâm đã thi đấu FINA World Cup 2016. Khi các kình ngư đang tranh tài giải VĐQG 2016 tại Hà Nội, Phương Trâm có mặt ở Singapore dự một chặng FINA World Cup 2016 tại đây (các ngày 21, 22-10). Kết quả của VĐV TPHCM có tiến bộ. Cô xếp vị trí 16 cự ly 50m tự do (25”61), hạng 14 cự ly 100m tự do (56”01). Ngoài ra, Phương Trâm còn đứng hạng 12 của 50 bướm (27”18). Hạng 8 nội dung 100m bướm (1’00”07).

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top