Phát triển thể thao dân tộc

Góp phần bảo tồn văn hóa

08:41 - Thứ Năm, 01/12/2016 Lượt xem: 4518 In bài viết
ĐBP - Xuất phát từ những trò chơi dân gian, các môn thể thao như: bắn nỏ, tung còn, đẩy gậy, kéo co, tù lu... là nét văn hóa đặc sắc có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Do đó việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Trước kia, các môn thể thao dân tộc (TTDT) hầu như chỉ diễn ra trong các dịp vui, lễ tết của đồng bào dân tộc. Giờ đây, trong nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch các cấp trong tỉnh, như: Mừng Đảng, mừng xuân, Lễ hội Hoa ban, hội thao của các ngành, huyện, khai giảng năm học mới, ngày đại đoàn kết toàn dân... cũng đan xen tổ chức thi đấu các môn TTDT. Khán giả đến đây vừa hò reo cổ vũ vừa được vui chơi, trải nghiệm.

 

Môn kéo co được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban năm 2016.

Các ngành như giáo dục và đào tạo, ngân hàng, thuế... đã đưa các môn TTDT vào nội dung thi đấu trong hội thao của ngành. Ngoài những hoạt động trong tỉnh, tỉnh ta còn tham gia nhiều giải đấu khu vực và toàn quốc, như: Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, ngày hội văn hóa dân tộc Thái, hội thi thể thao các dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc... và đạt được những thành tích cao. Năm 2010, đoàn vận động viên TTDT tỉnh ta tham gia Đại hội thể dục thể thao toàn quốc với môn bắn nỏ đã giành được 6 huy chương vàng, 1 huy chương đồng, kết quả xếp thứ 3/19 tỉnh phía Bắc. Năm 2011, Điện Biên đăng cai Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc, năm 2015 tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái đều đoạt giải nhất toàn đoàn. Gần đây nhất, tháng 10/2016, đoàn tỉnh Điện Biên tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII tại tỉnh Lào Cai với hơn 30 vận động viên thi đấu các môn TTDT (bắn nỏ, tung còn, tù lu, đẩy gậy, kéo co), kết quả đoạt 11 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 9 huy chương đồng, xếp thứ nhất trong bảng tổng sắp huy chương.

Trao đổi về các môn thể thao này, ông Phạm Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận xét: Gọi là môn thể thao nhưng các bộ môn này đều xuất phát từ trò chơi dân gian hay hoạt động thường ngày gắn liền với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy không “kén” người chơi. Theo thời gian, các môn TTDT ngày càng trở nên phổ biến, không bị bó hẹp trong một dân tộc (như trò tung còn của người Thái, tù lu của đồng bào Mông...) mọi người đều có thể tham gia.

Vận động viên TTDT tham gia các cuộc thi đều không phải vận động viên chuyên nghiệp được đào tạo chuyên sâu mà phần đa là những người dân sinh sống ở các bản làng, thường ngày vẫn lên nương lao động chân tay. Họ được bà con trong thôn, bản lựa chọn hoặc được phát hiện qua các hội vui, các cuộc thi từ cơ sở. Khi có giải đấu lớn, các huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao sẽ liên hệ, rồi về tận bản làng tuyển chọn, thuyết phục vận động viên tiềm năng tham gia thi đấu. Vì vậy đã có nhiều vận động viên nhiệt huyết, nòng cốt tham gia nhiều giải đấu, đạt thành tích cao, như: Lò Văn Hỏa (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) môn bắn nỏ; Cà Thị Dinh, Lò Văn Ún (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) môn tung còn; Giàng A Chính, Giàng A Lữ (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng) môn tù lu...

Để các môn thể thao dân tộc ngày càng phổ biến, được gìn giữ và phát triển hơn nữa, ông Phạm Trung Hiếu cho rằng: Cần tăng cường tổ chức thi đấu các môn TTDT trong các hội thi, hội diễn từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đó vừa là “sân chơi” cho bà con, cũng là nguồn động viên, khích lệ người dân hướng về cội nguồn, nâng cao sức khỏe để lao động, sản xuất, học tập. Từ đó, khuyến khích thế hệ trẻ yêu thích tập luyện các môn TTDT, góp phần bảo tồn bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top