Bắn súng Việt Nam giải bài toán kinh phí

15:34 - Thứ Năm, 01/12/2016 Lượt xem: 4454 In bài viết
Nếu không có gì thay đổi, Liên đoàn bắn súng Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới vào ngày 4-12 tới đây tại Hà Nội. Tất cả chờ luồng gió mới ở người được trao trọng trách tân Chủ tịch.

Làm dễ mà lại khó

Theo tìm hiểu của PV SGGP Thể Thao, người được mời làm tân Chủ tịch Liên đoàn bắn súng nhiệm kỳ mới là doanh nhân Đỗ Văn Bình đang làm việc tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Sau nhiều thời gian chờ đợi, Liên đoàn bắn súng đã tìm được Chủ tịch là người tới từ lĩnh vực kinh tế. Rất nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của Việt Nam muốn mời những mạnh thường quân là các doanh nhân mạnh tài chính về quản lý. Tuy vậy, không nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao thành công. Ngồi làm Chủ tịch thì không khó. Quan trọng là nhà quản lý đứng đầu sẽ cải thiện hơn hoạt động của Liên đoàn thể thao mình đứng mũi chịu sào như thế nào. Nếu nhà quản lý là doanh nhân, Liên đoàn hay Hiệp hội thể thao đó không gặp khó trong tài chính hoạt động.

 

Bắn súng đã được đưa vào nhóm đầu tư trọng điểm số 1 của thể thao Việt Nam.

Nhiệm kỳ cũ, Chủ tịch của Liên đoàn bắn súng Việt Nam là ông Phí Thái Bình. Thực tế, sự quảng bá và ảnh hưởng của bắn súng không nổi bật. Chỉ khi các xạ thủ Việt Nam có kết quả tại SEA Games, Asian Games và một số giải quốc tế rồi chiếc HCV, HCB tại Olympic 2016 vừa qua thì người ta mới nhắc nhiều về bắn súng. Trưởng bộ môn bắn súng (Tổng cục TDTT) Nguyễn Thị Nhung từng khẳng định: “Đây là môn thể thao rất khác biệt so với những môn khác vì liên quan tới súng, đạn trong thi đấu. Đồng thời, bắn súng là rất tốn kém về kinh tế”.

Thực trạng hiện nay của bắn súng Việt Nam là trường bắn lạc hậu, VĐV thiếu đạn trong thi đấu. Xạ thủ cấp đội tuyển cần nhiều cơ hội ra nước ngoài cọ xát. Liên đoàn là tổ chức xã hội nghề nghiệp và đóng vai trò tham mưu chung sức cùng Tổng cục TDTT kiện toàn các hoạt động cho bắn súng. Tuy nhiên, với những nhà quản lý mới, mọi người mong bắn súng Việt Nam được đầu tư khởi sắc hơn. Ít nhất, nếu nhà quản lý đứng đầu là doanh nghiệp thì khó khăn kinh phí sẽ giải quyết hiệu quả hơn.

Phải tạo được hiệu ứng từ người dân

Bắn súng là môn thể thao thuộc nhóm 5 môn là Tổng cục TDTT đầu tư trọng điểm nhóm 1. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, kinh phí Tổng cục cấp cho bắn súng hoạt động hàng năm khoảng 150.000-200.000 USD. Tuy nhiên, đó là tổng chi phí cho mọi hoạt động từ tổ chức các giải tới đưa VĐV đi tập huấn, thi đấu. Thực tế, số VĐV đưa ra nước ngoài tập dài ngày không được nhiều vì lãnh đạo bộ môn cũng phải cân đo đong đếm cử một vài con người cụ thể chuyên biệt. Trong lúc đó, người làm bắn súng chờ thêm nỗ lực tìm tài trợ của Liên đoàn bắn súng nhưng gần như không có. Liên đoàn của nhiệm kỳ cũ gần như không kiếm được tài trợ để giải quyết khó khăn kinh phí. Bây giờ, với hiệu ứng Hoàng Xuân Vinh giành huy chương Olympic, Liên đoàn trong nhiệm kỳ mới sẽ phải đưa mục tiêu số tiền cụ thể cần kiếm được thông qua tài trợ.

Hoạt động của Liên đoàn bắn súng không chỉ riêng cho thi đấu thành tích cao mà liên đoàn bắn súng còn là đơn vị chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức các hoạt động với môn bắn đĩa bay và hoạt động không chuyên của nhiều CLB phong trào. Dù vậy, hiện tại các CLB bắn súng chưa thể ra đời tự phát do cần sự kiểm duyệt gắt gao và phải có đảm bảo an ninh. Đây cũng là một lĩnh vực mà nhà quản lý Liên đoàn muốn hướng tới. Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Á đang rất phát triển với các CLB bắn súng (trong sự quản lý cho phép của nhà nước) và đây là một mảng để người dân làm quen với môn thể thao này.

Khi đảm nhiệm chính thức vai trò Chủ tịch Liên đoàn bắn súng Việt Nam, chắc chắn ông Đỗ Văn Bình sẽ có những thông báo về định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mình. Mọi người vẫn nhớ, ông Bình chính là ông chủ Công ty cổ phần thể thao Việt Nam từng trao thưởng 1,8 tỷ đồng cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với thành tích 1 HCV, 1 HCB tại Olympic 2016.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top