Điền kinh Việt Nam, bước tiếp hay dừng lại?

09:50 - Thứ Tư, 18/01/2017 Lượt xem: 5448 In bài viết
Hiện tại, điền kinh Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 29 và kế đến là Asiad 18 với kế hoạch tập huấn hoàn toàn trong nước. Thậm chí, 2 VĐV Quách Công Lịch và Quách Thị Lan từng được Tổng cục TDTT phối hợp cùng Thanh Hóa đầu tư kinh phí cả 100.000 USD cho suốt 1 năm tập huấn tại Mỹ, giờ cũng đang tập luyện trong nước cùng chuyên gia người Bulgaria.

So với trước đây, đúng là trình độ của Quách Thị Lan được nâng lên rõ rệt, từ kỹ thuật qua rào ở cự ly 400m rào cho đến tốc độ nước rút ở cự ly 400m. Đấy là lý do cô đã đánh bại được VĐV xuất sắc nhất ở các cự ly này là Nguyễn Thị Huyền tại giải VĐQG 2016 vừa qua. Thế nhưng, trong trường hợp ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa dừng cuộc đầu tư cho Lan ở Mỹ, sẽ rất đáng tiếc cho cá nhân VĐV này cũng như cho điền kinh Việt Nam, vì đến lúc này không có bất cứ thông tin nào chỉ ra rằng họ sẽ tiếp tục lên đường.

 

Gánh nặng kinh phí khiến Quách Công Lịch, Quách Thị Lan không thể tiếp tục tập huấn ở Mỹ.

Rất khó để có thể tìm được địa phương hăng hái dốc kinh phí cho VĐV ra nước ngoài tập huấn như Thanh Hóa thời gian qua. Trước đây, mạnh và giàu tiềm lực như TPHCM, Hà Nội hay An Giang thì cũng phải dựa phần lớn vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Tổng cục TDTT. Hoặc nếu có xây dựng chương trình đầu tư đặc biệt thì thời hạn cũng ngắn hạn, không đủ giúp VĐV phát huy hết tiềm năng của mình.

Tập trong nước, nếu chỉ phục vụ cho mục tiêu SEA Games 29 thì rất phù hợp, nhất là khi Việt Nam đang sở hữu 2 VĐV xuất sắc nhất ở các cự ly 400m rào và 400m nữ là Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan. Ai giành chiến thắng ở đấu trường khu vực cũng đều tốt cả và điều quan trọng, như HLV Vũ Ngọc Lợi nhấn mạnh, thì bảo vệ 2 HCV là trách nhiệm của Huyền và Lan chứ chẳng phải VĐV nào khác.

Song, nếu chuẩn bị cho các mục tiêu xa, năm tới là Asiad 18, sau đó nữa là cuộc chiến giành vé dự Olympic 2020, thì vẫn cần những chuyến đi tập huấn dài hạn cho Lan và Huyền ở Mỹ. Nguyên nhân chính nằm ở gánh nặng kinh phí. Nhưng một khi địa phương bắt đầu có dấu hiệu không kham nổi, ngành TDTT cũng cần trợ lực, bộ môn cũng như Liên đoàn điền kinh Việt Nam cần xắn tay vào cuộc, vận động tài trợ để duy trì chiến lược của mình, chứ không nên thả trôi tất cả như vậy. Đấy mới chính là giải pháp chăm lo cho tương lai của điền kinh nước nhà.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top