Taekwondo Việt Nam: Dấu hỏi cho tương lai

15:25 - Thứ Ba, 14/03/2017 Lượt xem: 6026 In bài viết
Xưa nay, rất hiếm khi taekwondo - nằm trong nhóm môn trọng điểm của thể thao Việt Nam - lại trông đợi vào các nội dung thi quyền để mưu cầu thành tích. Ấy thế mà giờ đây, khi các hạng cân đối kháng vẫn chưa “phục hồi nguyên khí”, quyền vẫn được ưu tiên số 1…

Mấy năm trở lại đây, nội dung biểu diễn quyền trở thành mũi nhọn của taekwondo Việt Nam trong các chuyến xuất ngoại. Mừng một phần vì nội dung này có cơ hội phát triển kể từ khi Liên đoàn taekwondo thế giới tìm cách đưa vào chương trình thi đấu của nhiều sự kiện thể thao quan trọng. Nhưng nỗi lo lớn dần vì ngày càng khan hiếm VĐV giỏi đấu đối kháng, kéo theo đó là cả một khoảng trống mênh mông sau thời của dàn võ sĩ trứ danh Hồ Nhất Thống, Trần Quang Hạ, Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Huyền Diệu…

 

Hồ Thị Kim Ngân (thứ 2 từ phải qua, HCV trẻ thế giới) là điểm sáng hiếm hoi ở nội dung đối kháng.

Taekwondo Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng trong suốt thời gian dài, đến bây giờ vẫn chưa gượng dậy nổi, bắt đầu từ lúc “cái nôi” TPHCM sa sút. Biểu diễn quyền thì gần đây mới “phát”, nhưng dân học võ vẫn thích trò đối kháng, thích được thượng đài để thể hiện sở học của mình, lấy huy chương trong nước và quốc tế kiểu ấy mới “sướng”, mới hãnh diện.

Nhưng biết làm sao được khi nguồn nhân lực của môn võ từng một thời đứng số 1 trong danh sách đầu tư trọng điểm (chứ không phải bắn súng, điền kinh, bơi lội, TDDC… như bây giờ) ngày một cạn kiệt, hoặc nếu có cũng không gắn bó với nghề được lâu dài vì kẹt cơ chế, vì tương lai không đầy hứa hẹn như những gì họ mong chờ.

Thế cho nên, điều nghịch lý là phong trào taekwondo khá mạnh trong trường học, trong giới sinh viên và ở các quận, huyện (bằng chứng là hàng năm vẫn diễn ra hàng loạt giải đấu), nhưng ở cấp độ đỉnh cao vẫn là một khoảng lặng đáng buồn. Hy hữu lắm mới xuất hiện được gương mặt triển vọng kiểu như nữ võ sĩ Hồ Thị Kim Ngân (dưới 44kg) vừa giành HCV ở giải trẻ thế giới 2016. Còn lại, phần lớn thời gian qua, taekwondo chỉ biết dựa vào nội dung biểu diễn quyền để lấy cái “ăn nói” với Tổng cục TDTT.

Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra hào hứng khi đón nhận thông tin nước chủ nhà của SEA Games 2017 là Malaysia quyết định giảm bớt các nội dung đối kháng để tăng nội dung biểu diễn quyền trong chương trình thi đấu của đại hội. Lý do ư? Vì đầu tư ít và dễ đạt thành tích hơn là đào tạo thành tài 1 VĐV thi đấu đối kháng thực sự. Chưa kể, Asian Games 2018 cũng sẽ tái diễn cảnh nhiều nội dung đối kháng bị cắt bỏ để thay vào đó là các nội dung thi quyền, nhất là khi nước chủ nhà Indonesia muốn bằng mọi giá phải tranh được huy chương với bạn bè châu lục.

 

Lâu nay, taekwondo Việt Nam chỉ biết trông đợi vào nội dung biểu diễn quyền.

Năm ngoái, tuy từng giành được 2 HCV giải thi quyền thế giới và 1 HCV đối kháng trẻ thế giới, nhưng taekwondo Việt Nam lần đầu tiên không giành được suất tham dự Olympic kể từ năm 2000. Đấy có thể là điều gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng giới làm nghề lại thấy bình thường, bởi lẽ thời hoàng kim của taekwondo Việt Nam đã qua quá lâu rồi. Giờ đây nếu không nghiêm túc đánh giá lại thực trạng và có chiến lược tái cơ cấu phù hợp, thật khó để môn võ từng một thời được ca tụng tìm lại được ánh hào quang.

Sau Olympic Rio 2016, Liên đoàn taekwondo thế giới đã bắt đầu tính điểm theo thành tích cho các võ sĩ dự giải vô địch thế giới và các Grand Prix để làm cơ sở tuyển chọn VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top