Cờ vua - từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp

16:53 - Thứ Năm, 27/07/2017 Lượt xem: 3680 In bài viết
Magnus Carlsen (Na Uy) sinh năm 1990, cùng tuổi với Nguyễn Ngọc Trường Sơn, tại giải Vô địch trẻ thế giới 2002 ở Hy Lạp, Carlsen xếp hạng 2 nhóm tuổi U.12, trong lúc Trường Sơn và Quang Liêm nằm trong tốp 10. Thế mà đến năm 2013, Carlsen đã trở thành nhà vô địch thế giới cho đến nay.

Wesley So (Philippines) sinh năm 1993, hồi còn thi đấu ở các giải khu vực, So kém hơn Trường Sơn và Quang Liêm một chút, nhưng sau khi vô địch giải Milionaire 2014, So chuyển hẳn sang chuyên nghiệp nên tần suất thi đấu tăng vọt lên và hiện đang đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cờ vua quốc tế với elo 2810, trong lúc Quang Liêm hạng 30 với elo 2726. 

 

Lê Quang Liêm giành cúp á quân U.12 thế giới tại Hy Lạp năm 2003.

Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này? Cả hai đều chuyển sang con đường chuyên nghiệp. Học xong tiểu học, Carlsen đã nghỉ hẳn 1 năm để tập trung cho cờ vua, Wesley So cũng tạm biệt Đại học Webster sau năm thứ 2 để chơi cờ. 

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp. Ngay cả Quang Liêm, tuy chưa bước hẳn sang chuyên nghiệp, nhưng lúc còn là sinh viên Đại học Sài Gòn, anh cũng từng xin bảo lưu kết quả vì đi thi đấu liên tục. Cũng như Wesley So, Quang Liêm học Đại học Webster, sau khi tốt nghiệp, anh dành thời gian cho cờ nhiều hơn và giành được thành tích khả quan trong 2 giải quốc tế gần đây. Hoặc Trần Tuấn Minh sau thời gian được sự đầu tư quyết liệt của ngành thể dục thể thao Hà Nội, anh đã đạt danh hiệu đại kiện tướng, lên  ngôi vô địch quốc gia 2017 và có elo cao thứ 3 Việt Nam (sau Liêm và Sơn). 

Theo giới chuyên môn, muốn trở thành VĐV chuyên nghiệp, ngoài tài năng (bắt buộc phải có) kỳ thủ còn phải đầu tư nhiều công sức như: tài lực (đủ cho việc tích lũy, trang trải chi phí thi đấu và nghiên cứu với các chuyên gia), khổ luyện, kế hoạch dài hơi và chấp nhận hy sinh, thách thức… Việt Nam không thiếu tài năng trẻ, từ Thiên Hải, Trường Sơn, Quang Liêm ngày trước cho đến Minh Thắng, Anh Khôi, Cẩm Hiền… hiện nay.

Tuy nhiên, từ nghiệp dư hoặc bán chuyên nghiệp chuyển sang chuyên nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Trước tiên, kỳ thủ Việt Nam vẫn hưởng lương, thưởng chủ yếu từ ngành thể dục thể thao các tỉnh, thành, ngành. Tuy có chuyển nhượng VĐV hoặc tài trợ nhưng vẫn còn đơn lẻ. Bên cạnh các giải trong hệ thống quốc gia vẫn chưa có nhiều giải CLB và chưa đủ tầm để thu hút các cao thủ như Chinese Chess League Division A mà Quang Liêm đang “đánh thuê” 4 ván cho CLB Thanh Đảo. 

Phải chăng con đường chuyên nghiệp ở Việt Nam còn khá chênh vênh, nên không ít phụ huynh vẫn cho con mình “tập trung học văn hóa trước đã”…

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top