Khi "yếu tố ngoại" được tin dùng

10:39 - Thứ Sáu, 15/09/2017 Lượt xem: 5723 In bài viết
Thất bại của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam tại SEA Games 29 khiến các nhà quản lý bóng đá Việt Nam phải vào cuộc tìm kiếm tân huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia. Lần này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lại đặt nhiều niềm tin vào các huấn luyện viên ngoại nên dễ hiểu vì sao huấn luyện viên nội hoàn toàn vắng bóng trong danh sách chọn lựa.


Các tuyển thủ Việt Nam sẽ có tân huấn luyện viên “ngoại”.

Một thời hy vọng, một thời trắng tay

Khoảng 5-6 năm gần đây, thành công của các nền bóng đá Thái Lan, Malaysia tại SEA Games cũng như Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) đã mở ra một hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam trong sử dụng huấn luyện viên (HLV) cho đội tuyển quốc gia cũng như đội tuyển U23 quốc gia. Sự lên ngôi của bóng đá Malaysia giai đoạn 2009-2011 tại SEA Games và AFF Cup dưới sự dẫn dắt của các HLV nội là động lực để các nhà quản lý bóng đá Việt Nam mạnh dạn sử dụng các HLV trong nước. Còn trước đó, từ năm 1994, sau thành công của các HLV ngoại như E.Taveres, K.H.Weigang… bóng đá Việt Nam hoàn toàn đặt niềm tin vào các HLV ngoại. Có người thành công, có người thất bại, song ngay cả khi HLV ngoại thất bại thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vẫn quyết tìm HLV ngoại khác cho vị trí thuyền trưởng của hai đội tuyển. Đơn giản vì các nhà quản lý đều cho rằng, HLV ngoại trội về chuyên môn và có uy với cầu thủ hơn so với HLV nội.

Tất cả để thấy rằng, việc chuyển hướng sử dụng HLV nội vào năm 2012 ở hai đội tuyển trên là sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm sử dụng HLV của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tuy vậy, kết quả lại không như mong muốn. HLV được kỳ vọng nhiều nhất là Phan Thanh Hùng không thể đặt dấu ấn ở đội tuyển quốc gia khi đội bị loại ngay ở vòng bảng AFF Cup 2012. Rồi khi HLV Hoàng Văn Phúc vào “ghế nóng” dẫn dắt U23 Việt Nam tại SEA Games 2013 cũng không tốt hơn. Đội tuyển bị loại ngay ở vòng bảng SEA Games năm đó, dù lực lượng tương ứng với các đội vào bán kết. Ngay sau đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quay lại sử dụng HLV ngoại vào năm 2014-2016. Khi ấy, HLV người Nhật Bản T.Miura đã đưa đội tuyển quốc gia, U23 quốc gia cùng giành Huy chương đồng ở AFF Cup năm 2014 và SEA Games năm 2015.

Nhưng thành tích ấy không làm hài lòng những nhà quản lý bóng đá Việt Nam, nhất là những người đặt trọn niềm tin vào lứa cầu thủ U19 từng gây ấn tượng mạnh trong suốt năm 2014-2015 và mong thấy họ tỏa sáng ở SEA Games năm 2017. Vì vậy, phương án HLV nội lại được sử dụng, trong đó HLV Nguyễn Hữu Thắng được “chọn mặt gửi vàng”. Nhưng nếu như đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng còn có thể vào bán kết AFF Cup năm 2016 thì đội tuyển U22 quốc gia lại thất bại ngay ở vòng bảng SEA Games 29 năm 2017.

Tại cuộc họp tổng kết, đánh giá quá trình thi đấu của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29 vào đầu tuần này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng phải thừa nhận thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam đến từ yếu tố chuyên môn, không phải vì lý do khách quan.

Sẽ vừa lòng với HLV ngoại?

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh chia sẻ, những ứng cử viên hiện tại cho vị trí HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia đều là HLV ngoại. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tìm tới các HLV ngoại sau khi các HLV nội không mặn mà với vị trí này. 

Vì thế, phương án sử dụng HLV ngoại được xem là khả thi nhất, dù không dễ tìm được HLV đáp ứng các tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi mà “phải chấp nhận mức lương do Liên đoàn đặt ra”. Mức lương cụ thể không được tiết lộ nhưng cũng khó vượt qua mức 20.000 USD/tháng. Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn từng cho hay rằng: "Liên đoàn sẽ cố gắng thu xếp, thông qua các nguồn khác để đưa ra một mức lương chấp nhận được so với mặt bằng chung nhằm có được một HLV ngoại có trình độ tốt". 

Một trong những lý do khác để Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặt niềm tin vào HLV ngoại cũng vì những giai đoạn thành công nhất của bóng đá Việt Nam từ năm 1989 đến nay đều gắn với các HLV ngoại. HLV H.Calisto đưa đội tuyển Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup. HLV K.H.Weigang cũng lần đầu đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết SEA Games (năm 1995)... 

Chuyện HLV Mai Đức Chung tạm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3, Giải vô địch Châu Á cũng chỉ là nhất thời. 

Từ HLV ngoại sang HLV nội, rồi từ HLV nội sang HLV ngoại là cả một quá trình thay đổi quan điểm dùng người của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để hướng tới ngôi vị cao nhất ở Đông Nam Á và xác lập vị thế mới ở Châu Á... Nhưng cũng vì chưa hoàn thành mục tiêu ấy nên vòng luẩn quẩn trong lựa chọn HLV ngoại - nội vẫn đeo bám các nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Lần này, HLV ngoại có làm vừa lòng các nhà quản lý, người hâm mộ hay không thì vẫn phải chờ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top