Tới thời môn bi sắt

15:32 - Thứ Hai, 25/12/2017 Lượt xem: 5530 In bài viết
Vận động viên không tập trung huấn luyện trước giải, nhưng môn bi sắt vẫn giành huy chương tại Giải Châu Á 2017. Đó có thể xem là thành công của đội tuyển bi sắt Việt Nam, khiến nhiều người hy vọng bi sắt đã tới thời!

Cách đây hơn một năm, bi sắt từng đứng trước nguy cơ không được quyền góp mặt tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Lúc ấy, đã có sự lo lắng từ những huấn luyện viên, vận động viên của môn này, bởi việc không có tên trong Đại hội Thể thao toàn quốc cũng đồng nghĩa bộ môn này sẽ ít được đầu tư hơn, thậm chí bị xóa sổ tại một số địa phương. 

 

Đội tuyển bi sắt Việt Nam nhận Huy chương bạc nội dung bộ ba nữ ở Giải Bi sắt vô địch Châu Á 2017.

Sau này, môn bi sắt vẫn có tên trong chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 trong sự thở phào nhẹ nhõm của những người gắn bó với bộ môn thể thao đã “cắm rễ” ở Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Nam. Riêng các tỉnh phía Bắc thì phải đến năm 2004 mới đầu tư cho bi sắt, trong đó, Hà Nội đã lọt vào nhóm đầu toàn quốc.

Thực tế, những người quản lý, huấn luyện viên bộ môn đang chờ đợi động lực phát triển mới nếu bi sắt được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD). Tại đấu trường SEA Games, môn thể thao này luôn có tên trong chương trình thi đấu với sự tham gia của hầu hết các nước Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, cơ hội góp mặt tại ASIAD 2018 của bi sắt đã không còn do Indonesia - nước chủ nhà của Đại hội không tham gia Liên đoàn Bi sắt Châu Á. Theo ông Đoàn Tuấn Anh - Trưởng bộ môn bi sắt (Tổng cục Thể dục thể thao), môn bi sắt sẽ phải đợi đến năm 2022 mới có thể góp mặt lần đầu tại ASIAD khi Đại hội được tổ chức tại Trung Quốc. 

Khả năng này ngày càng rõ khi Liên đoàn Bi sắt Châu Á đang có tới 21 thành viên, trong đó có Trung Quốc và sẽ kết nạp thêm thành viên vào năm 2018. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh môn bi sắt, đội tuyển quốc gia đã giành huy chương tại Giải Bi sắt Châu Á 2017. Thế nên, những nhà quản lý và huấn luyện viên, vận động viên phải chuẩn bị tinh thần và đầu tư mạnh mẽ hơn để có thể đáp ứng nhiệm vụ giành huy chương nếu bi sắt được góp mặt tại ASIAD. 

Ông Đặng Xuân Vui - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bi sắt quốc gia, Chủ nhiệm CLB bi sắt Hà Nội chia sẻ: "Đầu tư lực lượng, trong đó có việc đưa vận động viên tham dự đều đặn các giải thế giới, châu lục ngay từ bây giờ cũng không phải quá sớm. Đặc biệt, bi sắt đang có cơ hội góp mặt ở Olympic năm 2024 tại Pháp - quốc gia khai sinh môn thể thao này. Thái Lan đã chuẩn bị cho việc bi sắt được đưa vào chương trình thi đấu Olympic 2024 từ 2 đến 3 năm nay".

Câu chuyện của môn bi sắt phần nào giống câu chuyện của môn pencak silat. Từ môn thể thao chỉ được tổ chức tại SEA Games, đến nay, pencak silat đã được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD 2018. Việc này khiến cơ hội giành Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội tăng rõ rệt do nhiều võ sĩ Việt Nam đã đạt trình độ châu lục, thế giới. 

Bi sắt Việt Nam cũng có cơ hội khi đang sở hữu một số vận động viên đạt đẳng cấp thế giới. Ngoài ra, tố chất của vận động viên Việt Nam cũng được đánh giá là phù hợp với môn này. Điều này đã được khẳng định ở Giải vô địch Bi sắt Châu Á 2017 vừa qua tại Thái Lan. Nếu không có dàn vận động viên tốt thì đội tuyển Việt Nam khó giành được 2 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng khi không tập trung mà di chuyển luôn đến địa điểm thi đấu.

Môn bi sắt đang "chờ thời" để tỏa sáng!

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top