Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam năm 2018:

Phát triển bóng rổ trong nước là mục tiêu hàng đầu

15:06 - Thứ Sáu, 01/06/2018 Lượt xem: 9383 In bài viết
Vào tháng 6 này, Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) năm 2018 sẽ chính thức khởi tranh. Một mùa giải hứa hẹn nhiều bất ngờ khi chứng kiến không ít thay đổi ở các đội tham dự. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển bóng rổ Việt Nam vẫn được xem trọng thông qua những quy định của Ban Tổ chức giải.

Ngay trong buổi họp báo về VBA 2018, Ban Tổ chức giải đã thông báo, quỹ lương của các đội tham dự được khống chế ở mức nhất định. Theo đó, Ban Tổ chức VBA áp mức lương tổng cho mỗi đội là 190 triệu đồng/tháng để bảo đảm sự cân bằng về lực lượng. Với mức, lương trung bình của một vận động viên (VĐV) nội trong đội hình chính vào khoảng 12 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm chi phí ăn, ở, đi lại... Ngoài ra, các cầu thủ nội và Việt kiều cũng được nhận nguồn thu nhập thứ hai trong thời gian không tập luyện và thi đấu ở VBA kèm một số điều kiện nhất định. Áp mức lương trên, nhà tổ chức mong muốn không có những đội quá mạnh hay quá yếu, từ đó tạo nên những trận cầu hấp dẫn ngang tài, ngang sức tại giải. Điều này cũng hạn chế được việc vung tiền chiêu mộ hết cầu thủ giỏi của các ông bầu nhiều tiền, bạo chi.

 

VBA đang là thương hiệu lớn trong các giải đấu tại Việt Nam.

Trong hai mùa bóng vừa qua, việc đưa ra hạn mức tối đa về quỹ lương ở mỗi đội đã tạo nên hiệu ứng tích cực. Vì vậy, cách làm này tiếp tục được thực hiện trong mùa giải VBA 2018.

Theo bà Lê Thị Tuyết Nga, Giám đốc điều hành VBA 2018, quy định tiền lương cho thấy mong muốn phát triển bóng rổ trong nước khi đặc biệt ưu tiên VĐV nội và VĐV Việt kiều, những người chắc chắn gắn bó lâu dài và đóng góp cho bóng rổ Việt Nam ở cả cấp độ câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia.

Ngoài ra, Ban Tổ chức giải cũng quy định, mỗi đội tại VBA sẽ có từ 10 đến 13 nội binh và tối thiểu là 3 VĐV trẻ. Trong số này, ít nhất phải có 3 cầu thủ là người địa phương nơi đội bóng đóng quân. Bà Lê Thị Tuyết Nga lý giải: "Mục tiêu của VBA là phát triển bóng rổ. Thế nên, phải xây dựng những cầu thủ hình mẫu để khuyến khích phong trào bóng rổ địa phương và cũng để các cầu thủ trẻ noi theo". Đấy cũng là giải pháp hữu hiệu để các đội bóng nhanh chóng tiếp cận khán giả địa phương cũng như hướng đến sự phát triển bền vững, giúp VBA trở thành hình mẫu về cung cách tổ chức chuyên nghiệp, là giải đấu mang tính thể thao - giải trí cao.

Chính những điều này sẽ tác động đáng kể đến mục tiêu khác của những người tổ chức giải đấu này, đó là hoàn toàn có thể trang trải mọi chi phí tổ chức, thậm chí có lãi thay vì trông vào nguồn kinh phí từ các ông bầu.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top