Tạm dừng huấn luyện VÐV thể thao thành tích cao

Nỗi lo người trong cuộc

09:06 - Thứ Tư, 11/09/2019 Lượt xem: 9628 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Từ phong trào TDTT quần chúng đã tạo điều kiện thuận lợi để những người quản lý, nhà chuyên môn chọn ra những “hạt giống” tăng cường cho thể thao thành tích cao (TTTTC). Ðã có những thời điểm, thể thao Ðiện Biên khiến cho bạn bè trong nước và quốc tế khâm phục bởi những tấm huy chương danh giá mà các vận động viên (VÐV) mang về. Thế nhưng đó là câu chuyện của từ cuối năm 2018 trở về trước.

VÐV Lò Văn Biển thuộc đoàn VÐV tỉnh Ðiện Biên đoạt Huy chương Vàng tại Giải Vô địch Karatedo tỉnh Bắc Ninh mở rộng năm 2019.

Trung tâm huấn luyện tạm dừng huấn luyện

Ðó là câu trả lời chúng tôi nhận được từ phía Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT tỉnh khi hỏi về công tác đào tạo, huấn luyện VÐV TTTTC. Nghe thì có vẻ khó hiểu, bởi tại sao một trung tâm có chức năng, nhiệm vụ chuyên đào tạo, huấn luyện VÐV TTTTC mà lại phải tạm dừng. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Tân, Phó Giám đốc Trung tâm thì nguyên nhân chính dẫn đến việc phải tạm dừng công việc này là do kinh phí cấp cho Trung tâm năm 2019 chỉ đủ cho công tác tập huấn và thành lập các đoàn VÐV tham gia thi đấu ở các giải thể thao quần chúng và một số giải TTTTC, nên nguồn đào tạo VÐV TTTTC không đủ để thực hiện. Ông Tân cũng cho biết, dù tạm dừng huấn luyện nhưng khi có giải thì Trung tâm vẫn sẽ triệu tập những VÐV đã từng được đào tạo, huấn luyện để tham gia thi đấu. Tuy nhiên có được kết quả tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Thể lực, kỹ thuật, tâm lý và thời gian được huấn luyện… “Nói gì thì thì nói, dù VÐV có tâm thế tốt thế nào chăng nữa, nếu không được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, bài bản thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đấu” - ông Tân thẳng thắn nhìn nhận.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc tạm dừng huấn luyện và đào tạo VÐV, trong thời gian được đào tạo tập trung tại Trung tâm những năm trước đây, chế độ cho VÐV cũng là một trong những nguyên nhân khiến VÐV chưa phát huy hết được tố chất cũng như yên tâm cống hiến cho tỉnh. Riêng với chế độ dinh dưỡng thì quá thấp. Theo đó, tiền ăn một ngày đối với 1 VÐV là 40.000 đồng - mức ăn còn khá khiêm tốn so với giá cả thị trường, điều đó dẫn đến thể lực VÐV không đảm bảo sau quá trình đào tạo. Ngoài ra, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho VÐV tại Trung tâm theo quy định thấp hơn so với mặt bằng chung ở các tỉnh, thành khác đã ảnh hưởng đến việc giữ chân những VÐV sáng giá, nhiều VÐV “đầu quân” cho các tỉnh khác. Trong số đó, tiêu biểu như trường hợp của VÐV môn võ karatedo Trần Ngọc Tuân và VÐV môn cầu lông Trần Thị Phương Hà... Những nơi các VÐV đến để đầu quân sau khi rời khỏi Ðiện Biên là những tỉnh phía Nam - nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn các tỉnh khu vực Tây Bắc. “Chúng tôi rất tiếc với những tài năng trẻ. Thế nhưng do điều kiện về kinh phí hạn hẹp, chính sách đãi ngộ cho VÐV thấp nên họ quyết định ra đi là điều dễ hiểu. “Bài toán” này thực sự khó có lời giải - anh Trần Ngọc Lừng, Phó phòng Huấn luyện và Thi đấu bộc bạch.

Những khó khăn trên có thể là dự báo trước cho việc từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT tỉnh phải tạm dừng công tác đào tạo, huấn luyện thường xuyên. Nói là tạm dừng thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Giám đốc Trung tâm thì không rõ sẽ phải “tạm dừng” đến bao giờ.

Trăn trở người trong cuộc

Trước khi tạm dừng công tác đào tạo, huấn luyện TDTT từ đầu năm đến nay, hàng năm Trung tâm thường xuyên duy trì đào tạo, huấn luyện từ 30 - 50 VÐV tuyến I/năm (tuyến tập trung) ở các môn: Cầu lông, điền kinh, cờ vua, karatedo, taekwondo, võ cổ truyền. Mỗi năm tham gia từ 12 - 15 giải toàn quốc. Kết thúc mỗi giải, phần nhiều đoàn VÐV tỉnh ta đều đạt kết quả tốt. Thậm chí có VÐV đã đoạt huy chương cấp quốc tế như: Quàng Thị Lai từng giành Huy chương Bạc Giải Vô địch Ðiền kinh trẻ Ðông Nam Á; Huy chương Ðồng Giải Ðiền kinh học sinh Ðông Nam Á. Hay như VÐV Lò Văn Biển cũng đã từng đoạt Huy chương Vàng tại Giải Vô địch Karatedo Ðông Nam Á… Có thể nói, những thành tích mà các VÐV đạt được ngoài nỗ lực của bản thân còn có công lớn của các huấn luyện viên trong quá trình phát hiện, bồi dưỡng và huấn luyện. Thế nhưng do Trung tâm đã tạm dừng công tác đào tạo, huấn luyện tập trung đã khiến cho nhiều huấn luyện viên lo lắng và tiếc nuối. Lo lắng bởi phải đào tạo nhiều năm mới sản sinh, rèn giũa ra được một tài năng; tiếc nuối vì sợ mất đi những nhân tài thể thao. Ðứng trước thực trạng đó, nhiều huấn luyện viên đã tự bỏ công sức của bản thân kêu gọi các VÐV tham gia tập luyện.

Anh Hà Xuân Bình, huấn luyện viên môn võ karatedo chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà đồng nghiệp của tôi cũng khá bất ngờ khi biết đơn vị tạm dừng đào tạo, huấn luyện VÐV TTTTC. Ðiều này đồng nghĩa với việc công tác huấn luyện hàng ngày của chúng tôi sẽ không còn. Thế nhưng sự đam mê và tâm huyết với nghề, tôi và một số anh em của Trung tâm tự bỏ công sức để huấn luyện miễn phí cho các em, với hy vọng tài năng của các em được duy trì và phát huy”. Vừa làm công tác quản lý và cũng đảm nhận cả vị trí huấn luyện viên, anh Trần Ngọc Lừng cũng rất trăn trở với việc Trung tâm phải tạm dừng công tác huấn luyện và đào tạo VÐV TTTTC. Anh Lừng mong muốn ngành văn hóa thể thao và du lịch và tỉnh cần quan tâm hơn đến việc phát triển TTTTC trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top