Quyền Anh chuyên nghiệp Việt Nam và giấc mơ đổi đời

15:03 - Thứ Ba, 17/09/2019 Lượt xem: 6931 In bài viết

Sự kiện Hà Thị Linh trở thành nữ võ sĩ đầu tiên của Việt Nam góp mặt ở sân chơi quyền Anh chuyên nghiệp ở nước ngoài vào tháng trước đã chứng tỏ xu hướng tất yếu mới của quyền Anh Việt Nam. Ở đó, các võ sĩ có nhiều lựa chọn hơn để có điều kiện theo đuổi đam mê thay vì giải nghệ sớm.

Thêm một lựa chọn

Từng dẫn dắt nhiều lứa vận động viên quyền Anh nữ, cựu võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Như Cường - phụ trách bộ môn quyền Anh nữ Hà Nội, huấn luyện viên trưởng đội tuyển quyền Anh nữ quốc gia, vẫn luôn đau đáu nỗi niềm tạo thêm thu nhập và cơ hội cọ xát cho các học trò.

Võ sĩ Trần Văn Thảo – võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp nổi tiếng tại Việt Nam.

Nghiệp huấn luyện của ông Nguyễn Như Cường từng chứng kiến nhiều học trò tài năng nhưng không theo trọn con đường vận động viên. Họ vẫn đủ khả năng thi đấu đỉnh cao nhưng cũng vì câu chuyện “miếng cơm manh áo” nên ngừng thi đấu sớm để chuyển hướng. Thu nhập của nhiều võ sĩ chỉ ở mức tạm đủ chi tiêu cá nhân và chỉ có thể trông vào tiền thưởng theo quy định của Nhà nước từ các đại hội, giải đấu quốc tế.

Nhưng không phải mọi vận động viên quyền Anh đều có thể trông vào tiền thưởng bởi rất khó khăn để giành huy chương ở sân chơi quốc tế, kể cả sân chơi Đông Nam Á. Muốn được như vậy, họ phải có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế để nâng bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm thi đấu. Thực tế, chỉ một số võ sĩ trọng điểm của Hà Nội mới được đầu tư để thi đấu quốc tế nhiều hơn các võ sĩ nữ khác trong cả nước.

“Nếu chỉ trông vào nguồn kinh phí từ Nhà nước mà không huy động được các nguồn lực xã hội thì rất khó để các võ sĩ quyền Anh cả nam cũng như nữ yên tâm theo nghề” - ông Nguyễn Như Cường từng chia sẻ.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Như Cường mới chú trọng tìm kiếm cơ hội để các võ sĩ nữ Hà Nội có thể thi đấu ở những sân chơi chuyên nghiệp của thế giới. Theo ông Nguyễn Như Cường, đó là một hướng đi cần thiết để vận động viên có thêm thu nhập, cơ hội nâng cao trình độ.

Hành trình ấy được tiếp thêm động lực từ nhiều nhà quản lý trong đó có Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao) Hoàng Quốc Vinh, người đã gắn bó nhiều năm với làng quyền Anh Việt Nam trong vai trò vận động viên và huấn luyện viên.

Những mối quan hệ quốc tế của ông Hoàng Quốc Vinh được huy động tối đa để rồi đưa Hà Thị Linh tới giải đấu chuyên nghiệp quốc tế vào tháng trước ở Trung Quốc. Trước đó, ông Hoàng Quốc Vinh cũng đóng vai trò quan trọng để một loạt võ sĩ nam Việt Nam tham gia các giải đấu chuyên nghiệp quốc tế.

Thực tế, quyền Anh Việt Nam đã giới thiệu 2 võ sĩ nữ dự giải ở Trung Quốc gồm Hà Thị Linh và nhà vô địch châu Á 2017 Nguyễn Thị Tâm. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không tìm được võ sĩ đồng cân đồng lạng với Nguyễn Thị Tâm nên nhà vô địch châu Á đành ở nhà.

Ở giải đấu tại Trung Quốc, trong trận đấu duy nhất của mình, Hà Thị Linh đã giành chiến thắng trước võ sĩ Trung Quốc - người từng thắng cả 2 trận chuyên nghiệp trước đó, để trở thành nữ võ sĩ Việt Nam đầu tiên tham dự sân chơi chuyên nghiệp ở nước ngoài đồng thời giành chiến thắng đầu tiên ở sân chơi này.

Sau giải ấy, ngoài tiền thưởng từ Ban Tổ chức giải, Hà Thị Linh còn nhận được thêm 20 triệu đồng từ các Mạnh Thường Quân ở Việt Nam. Như thế, cô gái người Lào Cai càng có thêm động lực để tiếp tục đi theo quyền Anh chuyên nghiệp bên cạnh các giải đấu quyền Anh nghiệp dư.

Tất nhiên, không dễ dàng để có thể làm chủ cuộc chơi ở cả hai sân chơi này. Mỗi sân chơi đều có đặc thù chuyên môn riêng nhưng về cơ bản lại hỗ trợ, giúp vận động viên rèn giũa các kỹ năng, tư duy chiến thuật.

Không ngẫu nhiên khi huấn luyện viên Nguyễn Như Cường khẳng định sẽ tạo điều kiện để Hà Thị Linh và nhiều võ sĩ nữ khác của Hà Nội tham gia nhiều hơn tại các sân chơi chuyên nghiệp quốc tế. Trước mắt, vào tháng 10 tới, nếu không có thay đổi vào phút chót, những Hà Thị Linh, Nguyễn Thị Tâm sẽ có cơ hội thi đấu ngay tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) với các võ sĩ chuyên nghiệp quốc tế tại sự kiện Victory 8.

Tự đi tìm cơ hội

Rõ ràng, không thiếu cơ hội thi đấu ở các giải quyền Anh chuyên nghiệp quốc tế, trước mắt là ở châu Á. Vấn đề nằm ở vận động viên cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho vận động viên.

Như trường hợp võ sĩ Trần Văn Thảo – võ sĩ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở sân chơi chuyên nghiệp. Anh đã nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Trung tâm Saigon Sport Club từ phương tiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng, vật chất… để có thể theo đuổi ước mơ thi đấu ở sân chơi chuyên nghiệp.

Gần đây nhất, chính Saigon Sport Club cũng trực tiếp hỗ trợ cho võ sĩ Nguyễn Văn Đương, một trong những võ sĩ hàng đầu tại Việt Nam. Không chỉ được hưởng điều kiện tập luyện tốt nhất hiện nay ở Việt Nam, Nguyễn Văn Đương còn được hưởng lương khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, võ sĩ này còn được huấn luyện (cả trực tiếp cũng như từ xa) bởi một chuyên gia Australia, người từng tham gia huấn luyện cho võ sĩ nổi tiếng thế giới người Mỹ Mayweather. Trong hành trình của Nguyễn Văn Đương đến với Saigon Sport Club cũng có dấu ấn của ông Hoàng Quốc Vinh trong vai trò cầu nối.

Theo ông Hoàng Quốc Vinh, điều kiện tại đây sẽ giúp Nguyễn Văn Đương phát huy tối đa năng lực bản thân trong khi chính phía Saigon Sport Club cũng được hưởng lợi từ thành tích của võ sĩ này.

Ngoài ra, một số võ sĩ nam khác ở Việt Nam cũng tìm đến sân chơi chuyên nghiệp, nơi có một số trận đấu từng mang về giải thưởng tới 400 triệu đồng cho người tham dự. Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi từng giành giải thưởng trên trong một trận đấu ở Việt Nam và điều đó càng tạo động lực cho nhiều võ sĩ khác. 

Như khẳng định của ông Hoàng Quốc Vinh, đang có những điều kiện cần thiết để võ sĩ quyền Anh Việt Nam có thể đi theo con đường chuyên nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là ý thức hoàn thiện bản thân để được chấp nhận thi đấu tại sân chơi chuyên nghiệp, nơi có những quy định ngặt nghèo, sòng phẳng. Cũng từ đó, chính các võ sĩ mới thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top