Điền kinh Việt Nam: Tiếp sức cho công tác đào tạo trẻ

15:14 - Thứ Hai, 07/09/2020 Lượt xem: 10011 In bài viết

Những năm gần đây, điền kinh Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công tại các đấu trường trong nước và quốc tế. Song, để phát triển bền vững cũng như chinh phục được những mục tiêu cao hơn, công tác đào tạo vận động viên trẻ của môn thể thao này cần được ưu tiên, tiếp sức từ nhiều nguồn để đáp ứng kỳ vọng.

Việt Nam đang đẩy mạnh công tác đào tạo vận động viên trẻ môn điền kinh để phát triển bền vững. Trong ảnh: Vận động viên Trần Nhật Hoàng (ngoài cùng bên trái) của đội tuyển điền kinh Việt Nam thi đấu tại SEA Games 30. Ảnh: Đăng Huy

Những hiệu quả bước đầu

Hơn chục năm qua, điền kinh Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trên các đấu trường. Cụ thể, môn điền kinh đã liên tiếp đứng đầu toàn đoàn trong hai kỳ SEA Games gần đây nhất là SEA Games 29-2017 với 17 Huy chương vàng và SEA Games 30-2019 với 16 Huy chương vàng; vận động viên Bùi Thị Thu Thảo đã giành ngôi vô địch ASIAD vào năm 2018 của nội dung nhảy xa...

Theo Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, để đạt được thành tích này, công tác đào tạo trẻ của môn điền kinh được coi trọng, nhất là ở các ngành, địa phương và điển hình là điền kinh Hà Nội luôn giữ vai trò “lá cờ đầu” trong công tác đào tạo trẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Lại Phúc Lộc, trực tiếp phụ trách môn điền kinh cho biết, để có được đội tuyển trẻ chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn tham gia thi đấu các giải quốc gia và quốc tế, hằng năm, trung tâm phải tổ chức nhiều đợt tuyển chọn từ các quận, huyện, thị xã cho lứa tuổi từ 10 đến 12 tuổi. Ngoài ra, trung tâm còn tìm kiếm, phát hiện các tài năng từ các giải trẻ để huấn luyện, đào tạo. “Mỗi năm chúng tôi tuyển chọn từ 30 đến 40 em, sau đó sàng lọc được khoảng 20 em. Tùy vào sở trường của từng em, Ban huấn luyện sẽ đào tạo tập trung vào các nội dung khác nhau”, ông Lại Phú Lộc cho biết thêm.

Vận động viên đội tuyển điền kinh Hà Nội Trần Văn Đảng (cự ly 800m) chia sẻ: “Tham gia đội tuyển từ năm 15 tuổi, tôi được các huấn luyện viên quan tâm, chăm sóc như những người thân trong gia đình, nên tôi cảm thấy thoải mái, chuyên tâm tập luyện để khi có các giải đấu sẽ cống hiến hết mình”.

Nhiều giải pháp cho mục tiêu phát triển bền vững

Bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo trẻ của môn điền kinh cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Lại Phúc Lộc, thời gian gần đây, số lượng các vận động viên theo đuổi bộ môn điền kinh ngày càng ít. Mỗi năm đội tuyển điền kinh Hà Nội chỉ tuyển được từ 15 đến 20 tài năng, điều này khiến diện tuyển chọn vận động viên đủ trình độ thi đấu cho đội tuyển quốc gia bị hạn chế. Không những vậy, hệ thống thi đấu quốc gia chỉ có 1-2 giải trẻ/năm, nên vận động viên trẻ ít có cơ hội thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ. Còn theo Trưởng bộ môn Điền kinh (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Bích Vân, chất lượng vận động viên được tuyển vào tuyến năng khiếu hiện không được cao như những năm trước, nên công tác huấn luyện khá vất vả. 

Về vấn đề này, Tiến sĩ Dương Đức Thủy, phụ trách Bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục - Thể thao) cho biết, một trong những khó khăn của công tác đào tạo trẻ hiện nay là sự chưa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác huấn luyện, đào tạo, bởi mỗi nơi một giáo án khác nhau. Ngoài ra, kinh phí để đào tạo trẻ hạn chế, không ít địa phương chỉ có vài trăm triệu đồng mỗi năm cho đào tạo trẻ...

Để khắc phục những khó khăn này, theo ông Dương Đức Thủy, Liên đoàn Điền kinh cùng với Bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục - Thể thao) đang xây dựng kế hoạch đào tạo lâu dài, có tính chiến lược; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho huấn luyện viên theo từng chuyên đề; đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà chuyên môn... để công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ thực sự phát huy được hiệu quả. Còn ông Lại Phúc Lộc đề xuất, cần tăng số giải trẻ trong hệ thống thi đấu quốc gia để giúp vận động viên có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho rằng, để phát triển bền vững cũng như vươn tới những mục tiêu cao hơn, điền kinh Việt Nam cần phát huy hơn nữa tính chủ động của các liên đoàn, hiệp hội từ trung ương đến địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa. Nhờ đó, sẽ làm phong phú hơn nguồn lực cho sự phát triển lâu dài của điền kinh Việt Nam.

“Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam cần chủ động phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyển chọn, phát hiện những tài năng thông qua các giải thể thao học đường. Từ đây, giúp điền kinh Việt Nam có một lực lượng vận động viên hùng hậu, tài năng, góp phần khẳng định vị thế môn trọng điểm của thể thao Việt Nam”, ông Trần Đức Phấn lưu ý.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top