Chương trình cử nhân đặc biệt dành cho vận động viên

15:32 - Thứ Năm, 28/01/2021 Lượt xem: 11882 In bài viết

Tuổi nghề ngắn đi cùng với những khó khăn đặc thù là câu chuyện không thể tránh khỏi của những người làm vận động viên. Hiểu rõ thực tiễn, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã thiết kế Chương trình cử nhân Quản trị Kinh doanh với những đặc điểm dành riêng cho các tài năng thể thao Việt Nam.

Sau thành công tại kỳ SEA Games 29, cô gái vàng Wushu Dương Thúy Vi từng bật khóc khi chia sẻ tuổi nghề vận động viên quá ngắn và đầy gian truân. (Ảnh: H.N)

Chuyện nghề chạy đua cùng thời gian

Thể thao Việt Nam đang từng ngày chuyên nghiệp hóa hơn về tổ chức, huấn luyện và đảm bảo đời sống của vận động viên (VĐV). Nghề thể thao trở nên đáng quý hơn bao giờ hết khi được xã hội công nhận, khen thưởng và tin yêu mỗi khi chúng ta có cơ hội được so tài trên các đấu trường khu vực.  

Thế nhưng câu chuyện nghề của VĐV lại vô cùng đặc biệt, bởi sự đặc thù về công việc và môi trường "lao động". Bên cạnh đó, thành quả lao động mà họ tạo ra cũng hết sức khác biệt so với thành quả của các ngành nghề khác trong xã hội. Chuyện nghề của họ cũng có nhiều điều đáng được lưu tâm.

Để trở thành một VĐV tầm cỡ, các môn thể thao đòi hỏi người tập phải làm quen từ rất sớm, thể dục dụng cụ là một điển hình. Luôn là đó những câu chuyện về các cô bé, cậu bé đã phải xa gia đình từ khi còn 5-6 tuổi và sang nước ngoài khổ luyện cả chục năm trời với khát vọng đạt được trình độ, chuyên môn đẳng cấp. 

Những tháng ngày sống và “làm việc” trên đất bạn đã trở thành những ký ức khó phai mỗi khi người ta nhắc đến những cái tên cộm cán của bộ môn thể dục dụng cụ Việt Nam như Ngân Thương, Hà Thanh hay tiêu biểu là Phước Hưng. 

Trên con đường thành danh là một trong những VĐV thể dục dụng cụ hàng đầu Việt Nam, Phạm Phước Hưng đã "bôn ba" Trung Quốc từ khi anh mới bảy tuổi, sau 10 năm trau dồi tại đất nước "cái nôi của thể dục dụng cụ", anh trở về quê hương và đạt được thành tích đầu tiên với tấm Huy chương Vàng ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2012. 

Vẫn biết, sự đóng góp và thành quả lao động mà mỗi cá nhân tạo ra là khác nhau và có giá trị riêng. Song chắc chắn rằng, không giấy mực nào có thể ghi nhận hết những hy sinh thầm lặng của lớp lớp thế hệ VĐV vẫn đang ngày đêm chạy đua cùng thời gian, luôn vững tin mang về vinh quang cho đất nước.

Đi kèm với sự khắc nghiệt đó, tuổi nghề của VĐV cũng rất ngắn. Theo thống kê, phần lớn các giải đấu thể thao trong nước hiện nay dành cho lứa tuổi năng khiếu đều bắt đầu từ độ tuổi 14 đến 15. Trong khi đó, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan (điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, y tế, thể lực, phương pháp huấn luyện...) nên hầu hết các VĐV thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 30 đến 35.

Vậy nên nếu tính trung bình, sự nghiệp thi đấu của một VĐV sẽ chỉ kéo dài khoảng từ 15 đến 20 năm, tùy theo từng môn thể thao, với đòi hỏi khác nhau về sức mạnh, sức nhanh, sức bền hay độ khéo léo và tư duy. Nhưng dù thế nào, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với tuổi nghề của các nghề nghiệp khác. 

Và điều thiệt thòi lớn nhất, là sau khi chia tay thể thao, hầu hết các vận động viên sẽ phải bắt đầu một công việc mới để tiếp tục cuộc sống vào lúc đã ở tuổi "xế chiều". Bởi vì giấc mơ trở thành HLV không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực với phần đông người làm thể thao.

Sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu, cùng với nguy cơ thất nghiệp thì một nỗi ám ảnh khác của các VÐV là bệnh nghề nghiệp tái phát. Đó là hậu quả của những chấn thương không thể tránh khỏi, dai dẳng trong chuỗi ngày tập luyện và thi đấu. Nhẹ thì đau tay, đau chân, đau người mỗi lúc giở trời, còn nặng thì là chứng tê liệt, mất khả năng lao động.

“Giao lưu, cọ xát” với thị trường lao động

Thiết kế chương trình cử nhân dành riêng cho các VĐV là một trong những đáp án giải quyết được câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam, để họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình, vừa có được cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn nữa sau khi giải nghệ.

Nhận thấy sự cấp thiết trong việc cung cấp kiến thức, cũng như kỹ năng để những người hùng thể thao dễ dàng rút ngắn khoảng cách với thị trường lao động, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tinh chỉnh chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh (QTKD) với những yếu tố đặc biệt phù hợp dành cho VĐV.

Trước tiên, chương trình học sẽ được thiết kế linh hoạt về thời gian, phù hợp lịch trình thi đấu của các VĐV. Cùng với đó, Trường sở hữu đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Điều này mang đến sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, bảo đảm định hướng tác nghiệp cho các VĐV trong tương lai.

Ngoài ra, mỗi học phần sẽ được kết hợp giảng dạy với phương pháp học hiệu quả. Nhằm giúp học viên nâng cao khả năng phân tích, xây dựng và triển khai các ý tưởng kinh doanh thông qua các hoạt động nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp. Qua đó, tìm ra các ý tưởng tiềm tàng của mỗi cá nhân.

Tạo điều kiện thực tập và thực tế tại doanh nghiệp là một điểm nổi bật của chương trình cử nhân QTKD. Đây là hình thức đào tạo xen kẽ, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với doanh nghiệp. Sự cộng hưởng giúp cho thời gian đào tạo không bị lãng phí, người học nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp, sớm đóng vai trò thiết thực vào sự phát triển chung của xã hội.

Nỗ lực hết mình và không phụ lòng tin yêu của người hâm mộ là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mỗi VĐV, nhưng bên cạnh đó, xây dựng nền tảng cho một tương lai bền vững cũng là một trong những nhu cầu vô cùng thiết yếu. Do đó, chương trình cử nhân QTKD dành cho các tài năng thể thao là một hướng đi phù hợp thực tiễn, đảm bảo một ngã rẽ an toàn, bên cạnh con đường sự nghiệp tỏa sáng thuộc về mỗi VĐV.

Theo đó, sẽ có hai phương thức xét tuyển cho Chương trình cử nhân QTKD, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Với thời gian nộp hồ sơ của năm 2021 được chia làm hai đợt, đợt 1 từ ngày 4-1 đến ngày 1-3, đợt 2 dự kiến vào tháng 7.

Phương thức xét tuyển 1 có đối tượng là thành viên Đội tuyển Quốc gia đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức, đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Nguyên tắc xét tuyển căn cứ vào cấp độ, quy mô giải thi đấu.

Phương thức xét tuyển 2 có đối tượng là VĐV cấp 1, kiện tướng, VĐV đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc, các giải trẻ Quốc gia và quốc tế hoặc giải Vô địch Quốc gia; đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Nguyên tắc xét tuyển dựa trên hồ sơ và phỏng vấn đánh giá năng lực.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top