Ðiền kinh Việt Nam quyết bảo vệ ngôi đầu tại SEA Games 31

15:50 - Thứ Tư, 24/02/2021 Lượt xem: 10363 In bài viết

Ở hai kỳ SEA Games 29 và 30 gần đây, điền kinh Việt Nam đều vượt qua Thái-lan để dẫn đầu về số huy chương giành được, với lợi thế sân nhà khi là nước đăng cai, mục tiêu lần thứ ba liên tiếp dẫn đầu đại hội là khả thi.

VÐV Nguyễn Thị Oanh (bên trái) lập kỷ lục quốc gia chạy 10.000 m tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020. Ảnh: Khang Vinh

Nhiệm vụ giành ngôi đầu tại SEA Games 31 của bộ môn điền kinh Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi các vận động viên (VÐV) nước ta gần như không được tập huấn, thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế trong suốt năm 2020. Bước vào năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các giải thi đấu điền kinh quốc tế hiện vẫn đang tạm dừng và chưa có lịch thi đấu trở lại, việc đưa VÐV đi tập huấn nước ngoài cũng chưa biết đến bao giờ mới có thể nối lại. Trên các phương tiện truyền thông, đối thủ cạnh tranh ngôi đầu điền kinh là Thái-lan cũng luôn khẳng định sẽ tập trung lực lượng để giành lại vị thế đã mất, vì thế nước chủ nhà SEA Games 31 cần nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nếu muốn bảo vệ ngôi đầu.

Năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với hai đợt bùng phát, điền kinh Việt Nam chỉ có hai giải thi đấu chính thức trong nước là Giải Cúp tốc độ (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 6) và Giải vô địch quốc gia (tổ chức tháng 11 tại Hà Nội). Việc không thể tập huấn và thi đấu cọ xát ở nước ngoài ảnh hưởng rất nhiều tới thành tích của các VÐV. Nếu như những năm trước, hầu hết các đội tuyển quốc gia đều chọn tập huấn ở nước ngoài để nâng cao trình độ và thành tích. Trong đó đội tập huấn ngắn nhất cũng được ra nước ngoài bốn đến sáu tuần, một số đội đã vươn tầm châu lục thì thời gian tập huấn ở nước ngoài còn dài hơn. Thực tế, việc tập huấn ở các nước có trình độ thể thao cao giúp các VÐV đạt phong độ và sự hưng phấn hơn trong tập luyện, thi đấu, cả về tâm lý lẫn thể lực so với việc tập huấn trong nước. Việc tập huấn và thi đấu quốc tế giúp các VÐV Việt Nam vượt qua giới hạn của bản thân để vươn lên những tầm cao mới. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, vì dịch Covid-19, hầu hết các nội dung Việt Nam có khả năng giành suất tham dự Ô-lim-pích tại Nhật Bản trong năm nay đều không đạt các chỉ số như mong đợi. Chẳng hạn ở cự ly chạy tiếp sức 4 x 400 m Việt Nam đang xếp hạng 17 thế giới và nếu có thể cải thiện thành tích ở các cuộc thi đấu quốc tế trong năm 2021 thì có cơ hội lọt vào tốp 16 đội tranh tài ở Thế vận hội. Cho dù như vậy, điền kinh cũng không phải là môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam tại Ô-lim-pích và trọng tâm phấn đấu thực tế của bộ môn chính là SEA Games 31.

Hướng tới Ðại hội thể thao của khu vực, điền kinh Việt Nam hoàn toàn tự tin vào mục tiêu đề ra khi đang có những VÐV như Tú Chinh vừa giành năm Huy chương vàng (HCV), trong đó có hai ngôi vô địch cá nhân cự ly ngắn 100 m và 200 m cùng ba tấm HCV đồng đội 4 x 100 m nữ, 4 x 200 m nữ và 4 x 100 m hỗn hợp nam nữ, nổi bật là thành tích 11 giây 43 ở đường chạy ngắn 100 m. Tú Chinh đã từng giành HCV tại SEA Games 30 với thông số 11 giây 54, nhưng thành tích tốt nhất của VÐV này là 11 giây 40. Một nhà vô địch SEA Games 30 là Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) cũng giành bốn HCV tại giải trong nước năm vừa qua, trong đó thiết lập kỷ lục quốc gia ở nội dung chạy 10.000 m nữ với thành tích 34 phút 8 giây 54, vượt xa kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm trước đó của Ðoàn Nữ Trúc Vân lập từ năm 2003 (34 phút 48 giây 28). Ở các cự ly trung bình của nam, VÐV từng giành tám HCV SEA Games là Dương Văn Thái, tại giải vô địch quốc gia đã bị VÐV thế hệ đàn em là Trần Văn Ðảng mới 20 tuổi vượt qua. Thành tích của Ðảng sẽ là sự hỗ trợ rất lớn để Dương Văn Thái nỗ lực hơn tại SEA Games 31 vào cuối năm nay trên sân nhà.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, để giành ngôi đầu môn điền kinh tại SEA Games 31, các VÐV Việt Nam cần đoạt từ 17 đến 19 HCV trong tổng số 47 nội dung thi đấu. Ở kỳ đại hội trước, Việt Nam giành 16 HCV, hơn bốn chiếc so với đoàn Thái-lan và năm chiếc so với đoàn chủ nhà Phi-li-pin. Nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, điền kinh Việt Nam đang có sự chuẩn bị tốt hơn hẳn so với các nước trong khu vực đang bị bùng phát dịch như Thái-lan, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a… Từ đầu năm 2021, theo Thông tư số 86/2020/TT-BTC, trong thời gian tập huấn ở đội tuyển quốc gia, các huấn luyện viên, VÐV được tăng chế độ ăn lên 320 nghìn đồng/người/ngày và tiếp tục nâng lên 480 nghìn đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày trước khi thi đấu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong cả năm qua cũng như thời gian sắp tới, điền kinh và bóng đá là hai môn được giao trọng trách và nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu giành ngôi vô địch.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top