"Vaccine" tinh thần trong mùa dịch

15:31 - Thứ Ba, 13/07/2021 Lượt xem: 2820 In bài viết

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến hết sức phức tạp, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đều chịu tác động và trong đó có thể kể tới các hoạt động thể dục thể thao.

EURO 2020 khép lại thành công như minh chứng của châu Âu trong nỗ lực vượt qua ảnh hưởng của đại dịch. (Ảnh: EUFA)

Thể thao giữa đại dịch

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta từ đầu năm 2020, thể dục thể thao (TDTT) nằm trong danh sách những hoạt động không cấp thiết. Do đặc thù thường tập trung đông người, các sự kiện thể thao thuộc diện có nguy cơ cao và hầu hết phải hoãn hoặc hủy để bảo đảm an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài và các hoạt động phòng, chống dịch cũng đã có những thay đổi, như xét nghiệm trên diện rộng và đặc biệt là tiêm vaccine, cũng cần nhìn nhận lại vai trò của TDTT.

Ngay trong tháng 7, TP Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tại thủ đô Hà Nội, các hoạt động TDTT ngoài trời cũng phải tạm dừng hoàn toàn, chỉ khoảng 10 ngày sau khi được tổ chức trở lại. Hiện tại, ngoài việc thực hiện các biện pháp giãn cách phòng dịch, việc giải quyết áp lực tâm lý xã hội, do những thay đổi thói quen hằng ngày cũng là yếu tố được nhiều người dân quan tâm.

Hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết hay thực hiện việc cách ly tại nơi cư trú 14 – 21 ngày không phải đơn giản, nhất là những người có thói quen vận động. 24 tiếng trong ngày sẽ được giải quyết như thế nào để tránh nhàm chán, không tạo ra stress, không gây nên những xung đột? Học tập, làm việc online hay giải trí bằng phim ảnh, ca nhạc? Đây chính là lúc chúng ta thấy hoạt động thể thao mang ý nghĩa quan trọng như thế nào trong cuộc sống.

Tại Việt Nam, hệ thống các giải thi đấu quốc gia đã phải tạm dừng từ lâu và chưa thể xác định ngày trở lại. V-League không thể tổ chức như kế hoạch vào cuối tháng 7, kéo theo nỗi lo cho Ban tổ chức và sự tiếc nuối của người hâm mộ. Tuy nhiên, ở cùng thời điểm, các sân cỏ châu Âu lại sôi động với vòng chung kết EURO 2020. Trái bóng trở lại cùng hàng vạn khán giả reo hò cổ vũ như chưa từng có dịch bệnh xảy ra. Tại nước Anh, Wimbledon – giải Grand Slam trên sân cỏ cũng được tổ chức với những màn trình diễn đỉnh cao của các tay vợt hàng đầu thế giới.

Gần gũi hơn cả, vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo đã làm nên kỳ tích, đặt dấu mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam, sau những lượt trận thi đấu tập trung tại Dubai (UAE). Gần nhất, Viettel FC – đương kim vô địch V-League đã hoàn tất vòng bảng AFC Champions League, với sáu trận đấu diễn ra tập trung trên sân Pathum Thani (Bangkok, Thái Lan). 

Phòng, chống dịch với "mục tiêu kép"

Điểm chung của các hoạt động thể thao như vòng chung kết EURO 2020, giải quần vợt Wimbledon, vòng loại World Cup 2022 hay vòng bảng AFC Champions League... chính là công tác tổ chức được tính toán chặt chẽ, bảo đảm yếu tố an toàn phòng dịch. Nếu như vòng chung kết EURO 2020 diễn ra tại 11 thành phố lớn bởi châu Âu đón nhận thành quả của chiến lược tiêm vaccine trên diện rộng, thì Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hay vòng bảng AFC Champions League khép lại an toàn dựa trên hình thức thi đấu tập trung và cách ly triệt để.

VBA 2021 với hình thức "tập trung cách ly" là minh chứng cho nỗ lực tổ chức các sự kiện thể thao, với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng dịch cao nhất. (Ảnh: VBA)

Các thành viên tham dự hai giải đấu này đều được tiêm đủ số mũi vaccine, nhưng quan trọng nhất là hình thức tổ chức “bong bóng” với những yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt của AFC. Thành viên các đội tuyển hay câu lạc bộ, dù là cầu thủ, bác sĩ, Ban huấn luyện hay HLV đều hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bên ngoài. Tất cả thực hiện chu trình khép kín từ khách sạn – sân tập – sân thi đấu rồi trở về khách sạn, trên những phương tiện được bố trí riêng… Các cuộc so tài được diễn ra với tính cạnh tranh cao, thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thông qua các buổi tường thuật trực tiếp trên truyền hình hay các nền tảng mạng xã hội facebook, YouTube…

Ở Việt Nam, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam – VBA, có thể được coi như thí dụ điển hình cho những nỗ lực tổ chức các sự kiện thể thao, với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng dịch được đặt lên cao nhất. Khi di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về TP Nha Trang, toàn bộ các thành viên Ban tổ chức và tám đội bóng sử dụng chuyến bay được Ban tổ chức VBA thuê riêng của Vietnam Airlines. Tiếp đó là 14 ngày tự cách ly tại khách sạn, với ba lần lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. 

Nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho các đối tượng tham gia giải đấu, cộng đồng trong thời gian dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, VBA không chỉ thực hiện nghiêm quy định 5K mà còn xây dựng kế hoạch tổ chức phương châm “năm tập trung cách ly”, từ ăn ở, di chuyển, tập luyện, thi đấu và điều hành… trong điều kiện Nhà thi đấu cũng không có khán giả. 

Nhờ sự hỗ trợ hết sức tích cực từ đơn vị đăng cai là Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Sở Y tế, Uỷ ban Nhân dân thành phố Nha Trang, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Khánh Hoà, VBA 2021 trở lại là minh chứng rõ nét nhất của việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa nỗ lực phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm sự phát triển mọi mặt đời sống nhân dân nhưng vẫn an toàn trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Mặc dù vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan. Chính phủ đã xác định “chống dịch như chống giặc”, nhưng trong hoàn cảnh dịch Covid-19 còn ảnh hưởng trong thời gian dài, các hoạt động TDTT có thể được tổ chức trở lại với điều kiện phòng dịch cao nhất, như mô hình “tập trung cách ly” được Ban tổ chức VBA 2021 áp dụng. Trong hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, dù không được trực tiếp tham gia các hoạt động TDTT, việc được xem các VĐV thi đấu cũng có thể góp phần cải thiện đáng kể vấn đề tâm lý cho người dân. Dù thể thao không phải là hoạt động thiết yếu hàng đầu, nhưng cũng có thể nhìn nhận như những liều “vaccine” tinh thần vô cùng quan trọng giữa mùa dịch.

P.V (theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top