Những giải đấu lại chờ phía trước

10:01 - Thứ Hai, 02/08/2021 Lượt xem: 3532 In bài viết

Giành huy chương ở châu lục, thế giới đã khó, huống hồ là tranh tài ở đấu trường đỉnh cao diệu vợi Olympic.

Đô cử Hoàng Thị Duyên trước khi dự tranh Olympic Tokyo 2020 đã phải thực hiện cách ly 42 ngày, dẫn tới việc không có được phong độ cao nhất. Ảnh: Olympic

Nhiều cường quốc thể thao... trong một vài trường hợp, họ ém quân rất kỹ; thậm chí là hy sinh giải vô địch châu lục, thế giới để tung đòn đánh quyết định tại thế vận hội. “Nuôi quân ba năm, dùng một giờ” là vậy. Thậm chí còn là nuôi quân gần 20 năm, như trường hợp của nữ kình ngư 22 tuổi Zhang Yufei (Trung Quốc), vừa giành 2 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB) tại Olympic Tokyo 2020, đã bước vào luyện tập từ năm 3 tuổi.

Đó cũng có thể là sự khổ luyện không có bất kỳ giới hạn nào kèm theo vô vàn sự hy sinh, nếu bạn và tôi không tận mắt chứng kiến, hay nghe người trong cuộc dốc bầu tâm sự thì thật khó mà tin.

Thế nên, dù Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) không hoàn thành chỉ tiêu giành một huy chương đồng (HCĐ) ở kỳ thế vận hội này, thì trong chừng mực nào đấy, người hâm mộ hãy hiểu và thông cảm cho các tuyển thủ đã nỗ lực, cố gắng hết sức. Chúng ta chung vui khi Hoàng Thị Duyên đạt hạng 5 Olympic ở nội dung cử tạ hạng 59kg, phấn khởi khi Quách Thị Lan vào bán kết trên đường chạy 400m vượt rào, rồi mơ mộng với những chiến thắng của tay vợt Nguyễn Thùy Linh...

Ra đấu trường Olympic, có được điểm số trước nhà tân vô địch W.Panipak cũng là sự an ủi với võ sĩ Taekwondo Kim Tuyền (hạng 49kg). Bị dẫn điểm trước nhưng đẳng cấp của nhà đương kim vô địch thế giới đã lên tiếng đúng lúc. W.Panipak ra đòn hiệu quả liên tiếp trong hiệp 3 (thắng chung cuộc 20-11) để lừng lững tiến bước trên hành trình giành HCV thế vận hội. Phải là người trong cuộc, mới hiểu điểm số Kim Tuyền có được trước W.Panipak giá trị nhường nào. Đó chính là động lực, là chỗ dựa để Kim Tuyền tự tin hướng tới tương lai. Chẳng phải nữ đô cử H.Diaz trong lần thứ 4 tham dự thế vận hội mới giành được HCV đó sao. Tấm HCV lịch sử đầu tiên tại đấu trường danh giá Olympic mà đất nước Philippines đã mỏi mòn chờ đợi gần một thế kỷ.

TTVN sau thành công vang dội ở Thế vận hội Rio de Janeiro 2016 với 1 HCV, 1 HCB, cùng kỷ lục Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã hẫng hụt ở kỳ thế vận hội này. Giả dụ Đoàn TTVN giành được 1 HCĐ trên đất Nhật Bản, thì có lẽ mọi chuyện không hay sẽ lại được du di. Nhưng chính thất bại kỳ này của Đoàn TTVN sẽ buộc những người trong cuộc, những nhà hoạch định thể thao nước nhà phải nghiêm túc ngồi lại với nhau, để nghiêm khắc kiểm điểm, nhìn ra những mặt còn hạn chế của cá nhân, tập thể, bộ môn. Sẽ không có chuyện bỏ qua những sai lầm một cách đơn giản. Càng không thể có chuyện xuề xòa bỏ qua những bất cập trong công tác chuẩn bị Thế vận hội Tokyo 2020 của TTVN.

Thể thao nước nhà từ trên đỉnh cao 5 năm trước giờ trắng tay khi thế vận hội kỳ này vẫn đang diễn ra. 5 năm trước, khi mọi người còn trong men say chiến thắng thì một số chuyên gia, trong đó ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về những khó khăn, thách thức chờ đón thể thao nước nhà nhưng để giải quyết rốt ráo vấn đề cho thật sự khúc chiết, tường minh thì chính bản thân “kiến trúc sư” trưởng cho thành công của thể thao Hà Nội, TTVN như ông Hoàng Vĩnh Giang cũng phải ôm đầu.

Thế nên trở lại câu chuyện các tuyển thủ Việt Nam dẫu thi đấu hay-dở tại thế vận hội lần này, chúng ta càng nên trân trọng những gì mà đội ngũ ngôi sao của thể thao nước nhà đã nhiệt huyết cống hiến trong suốt những năm tháng qua. Chẳng phải tất cả 18 VĐV của Đoàn TTVN tham dự Olympic Tokyo 2020, và còn đó nhiều tuyển thủ khác đã hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp của thể thao nước nhà đó sao.

Olympic Tokyo 2020 đã khép lại với Hoàng Thị Duyên, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Huy Hoàng, Thạch Kim Tuấn, Kim Tuyền... nhưng những giải đấu quan trọng khác lại chờ đợi họ ở phía trước.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top