Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Các quy định về hóa đơn đối với hàng khuyến mãi

00:00 - Thứ Tư, 16/12/2015 Lượt xem: 1044 In bài viết
ĐBP - Khuyến mãi là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại cần thiết của các thương nhân nhằm giúp các thương nhân tìm kiếm cơ hội mua bán hàng, cung ứng dịch vụ. Khoản 1, Điều 88, Luật Thương mại năm 2005 quy định “Khuyến mãi là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”

Ngày 17/9/2015, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 3809/TCT-DNL hướng dẫn về nội dung hóa đơn đối với hàng khuyến mãi như sau:

Tại Khoản 5, Điều 7, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT quy định về giá tính thuế GTGT đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi quy định:

“5. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho...”.

Tại Điều 3, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

- Tại Điểm a, Khoản 7 sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1, Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau: Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)…”.

- Tại Điểm b, Khoản 7 sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 2, Điều 16 như sau: “Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

- Tại Khoản 9 sửa đổi, bổ sung điểm 2.4, phụ lục 4 như sau:

“2.4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi, quảng cáo, hàng mẫu, cho, biếu, tặng đối với tổ chức kê khai, nộp Thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

a) Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi tên và số lượng hàng hóa, ghi rõ là hàng khuyến mãi, quảng cáo, hàng mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật về thuế GTGT.

Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động thì phải lập hóa đơn GTGT (hoặc hóa đơn bán hàng), trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.”.

Tại Điều 18, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ quy định về các trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc lập hóa đơn:

“1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

2. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại Khoản 1, Điều này, người bán phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất GTGT” và “tiền thuế GTGT”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày (mẫu số 5.6, Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.

Các quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với chương trình khuyến mãi đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.

TTHT
Bình luận
Back To Top