Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Doanh nghiệp cần biết

Một số lưu ý về hóa đơn

00:00 - Thứ Tư, 01/06/2016 Lượt xem: 2099 In bài viết

(Tiếp theo kỳ trước)

2. Đối với hoá đơn đầu ra

- Viết nội dung trên hóa đơn: Cần chú ý đến câu chữ khi viết hóa đơn nếu không sẽ đang ở một mức thuế suất thấp bị nâng lên một mức thuế cao hơn. Ví dụ như ở một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh vận tải trong thời kỳ được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hoạt động vận tải từ 10% xuống còn 5%. Nếu hóa đơn ghi là dịch vụ vận tải thì sẽ được hưởng mức thuế suất là 5% nhưng nếu ghi là cho thuê xe thì mức thuế suất sẽ lại là 10%.

- Kiểm tra có bỏ sót hóa đơn không: Phải rà soát lại toàn bộ hóa đơn xuất ra mỗi tháng, để chắc chắn không bỏ sót hóa đơn nào, nếu bỏ sót thì ngay lập tức phải lập hóa đơn bổ sung và kê khai nộp thuế.

- Các sản phẩm sử dụng nội bộ phải xuất hóa đơn: Trong trường hợp doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng sản phẩm hàng hóa thành phẩm của mình, xuất hàng biếu tặng, làm từ thiện… đều phải xuất hóa đơn và kê khai nộp thuế GTGT. Đặc biệt cần thống kê khoản này và xuất hóa đơn bổ sung nếu chưa xuất, tránh bị phát hiện lúc quyết toán sẽ bị phạt và cộng lãi phạt.

3. Các trường hợp được chấp nhận mua hàng không có hóa đơn GTGT

Tại Điều 6, Khoản 2, Điểm 2.4 Thông tư 78/2014/TT-BTC và Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung có quy định về các khoản chi phí không được trừ khi mua các mặt hàng hóa không có hóa đơn (được phép lập bảng kê) như sau:

- Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;

- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;

- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;

- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT (100 triệu đồng/năm).”

Đây là những trường hợp khi mua hàng không cần hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, để đưa các chi phí này vào chi phí hợp lý, được cơ quan thuế chấp nhận, doanh nghiệp cần phải có bộ hồ sơ thanh toán đầy đủ các chứng từ sau:

- Hợp đồng mua bán

- Chứng minh thư bên bán

- Giấy đề nghị thanh toán

- Giấy báo nợ nếu thanh toán qua ngân hàng

- Phiếu chi nếu thanh toán bằng tiền mặt

- Bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào không có hóa đơn GTGT theo mẫu 01/TNDN (được ban hành kèm theo TT 78/2014/TT-BTC). Bảng kê này phải do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm và ký tên vào bảng kê.

TTHT
Bình luận
Back To Top