Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Ngành Thuế nỗ lực xử lý nợ đọng thuế

09:01 - Thứ Tư, 13/07/2016 Lượt xem: 3090 In bài viết
ĐBP - Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh trình UBND tỉnh, số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý đến ngày 31/5/2016 trên 215 tỷ đồng. Đảm bảo thu hồi nợ đọng thuế, ngoài việc đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật, Cục Thuế tỉnh căn cứ nhiệm vụ thu nợ thuế được Tổng cục Thuế giao tại Công văn số 161/TCT – QLN ngày 14/1/2016 để giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị theo từng tháng, quý và nhóm nợ thuế; tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ sự biến động của các khoản nợ thuế để đôn đốc thu kịp thời.

Cục Thuế tỉnh đã ban hành 100% thông báo nộp tiền nợ thuế đến từng doanh nghiệp; áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các doanh nghiệp nợ đọng tiền thuế lớn. Cục Thuế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước 2016. Đồng thời tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với Kho bạc Nhà nước và hệ thống các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn về việc cung cấp danh sách các đối tượng còn nợ thuế, để khi có phát sinh các khoản thanh toán của đối tượng nợ thuế, Cục Thuế tỉnh kịp thời có biện pháp cưỡng chế thu tiền nợ thuế. Đến hết tháng 5/2016, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện 95 lệnh cưỡng chế qua tài khoản tiền gửi đối với doanh nghiệp nợ thuế, số thuế thu được qua biện pháp này đạt 5,711 tỷ đồng. Tập trung xử lý các khoản nợ thuế chờ xử lý, đưa số nợ thuế chờ xử lý từ 303 triệu đồng tại thời điểm 31/12/2015 xuống còn 21 triệu đồng tại thời điểm 30/6/2016.

 

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Tủa Chùa thu thuế hộ kinh doanh tại thị trấn Tủa Chùa.

Để ngăn chặn tình trạng nợ đọng thuế trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục tăng cường chỉ đạo và thực hiện các giải pháp: Thường xuyên chỉ đạo các bộ phận tham mưu thực hiện công tác rà soát, phân tích rõ tuổi nợ của các khoản nợ; xem xét, đánh giá về khả năng tài chính của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có số nợ lớn để có những biện pháp, chế tài cụ thể. Phối hợp chặt chẽ với hệ thống kho bạc, ngân hàng thương mại để cung cấp, trao đổi thông tin kịp thời giữa cơ quan thuế với các ngân hàng. Chủ động rà soát, phân loại nợ, đối với khoản nợ thuế khó thu hồi và khoản nợ thuế chờ xử lý, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp quản lý phù hợp. Riêng đối với khoản nợ có khả năng thu sẽ áp dụng nghiêm các thủ tục hành chính, trình tự thực hiện các biện pháp thu nợ và thiết lập hồ sơ đảm bảo  chặt chẽ để tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Thuế.

Cùng với việc kiên quyết ngăn chặn tình trạng cố tình nợ đọng thuế, ngành Thuế cần phải rà soát, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp thật sự khó khăn để có hướng tháo gỡ, tạo cơ hội phát triển, tránh tình trạng doanh nghiệp không những không trả được nợ đọng mà số tiền bị phạt chậm nộp ngày càng cao, dẫn tới nợ ngày càng khó trả hơn. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ thuế, đơn vị thuế phải nắm bắt đầy đủ thông tin, diễn biến hoạt động, nguyên nhân nợ đọng thuế để có biện pháp thích hợp, chống chậm nộp thuế nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục, tiếp tục phát triển sản xuất.  Năm 2016, ngành Thuế tỉnh ước thực hiện tổng số nợ thu hồi đạt gần 151 tỷ đồng. Dự kiến nợ thuế đến 31/12/2016 chuyển sang năm 2017 gần 65 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top