Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Ngành Thuế triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế

09:09 - Thứ Tư, 26/04/2017 Lượt xem: 3107 In bài viết
ĐBP - Theo đánh giá chung của ngành Thuế tỉnh tình hình nợ đọng thuế còn ở mức khá cao và có chiều hướng gia tăng. Tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm 31/3/2017 ước gần 239 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ (31/12/2016) gần 11,9 tỷ đồng (tăng 5,2%). Số nợ của từng nhóm nợ thuế đều tăng về lượng. Riêng nhóm nợ từ 121 ngày trở lên có chiều hướng giảm do các đơn vị đã thực hiện biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (giảm 14 tỷ) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao (53%) trong tổng số nợ đến thời điểm 31/3/2017 và tăng so với cùng kỳ (31/3/2016) là 122% (tương ứng tăng trên 51 tỷ đồng).

Trước thực trạng nợ thuế gia tăng, ngành Thuế đã triển khai các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nộp NSNN, song công tác này cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp cố tình dây dưa, chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế để đầu tư vào lĩnh vực khác, trong khi tài sản đã thế chấp ở các tổ chức tín dụng nên gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác cưỡng chế thu hồi nợ. Nhiều doanh nghiệp hiện đã thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không báo trước cơ quan thuế hoặc đã nghỉ, bỏ kinh doanh mà cơ quan thuế không có thông tin nên số thuế còn nợ vẫn chưa xử lý được. Bên cạnh đó còn một phần nguyên nhân chủ quan do một số đơn vị chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công tác quản lý và đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền thuế để tỷ lệ thu hồi nợ đọng trong quý I thấp 14,8% (tương đương trên 41,5 tỷ đồng). Trong đó, thu nợ thuế năm 2016 chuyển sang gần 25 tỷ đồng (18,3%); thu nợ phát sinh quý I/2017 hơn 16,5 tỷ đồng.

 

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Điện Biên Đông tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho người nộp thuế. Ảnh: Thu Hằng

Việc thực hiện cưỡng chế để thu hồi nợ thuế còn gặp không ít trở ngại. Người bị cưỡng chế luôn né tránh việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế; cố tình kéo dài thời gian cưỡng chế như: nhận công văn không trả lời, mời làm việc không đến… Do đó, trong quý I, mặc dù toàn ngành đã ban hành 147 lệnh cưỡng chế nợ tiền thuế (tương đương hơn 42 tỷ đồng), song chỉ có 9/147 lệnh cưỡng chế đạt hiệu quả với số tiền thu hồi nộp NSNN trên 4 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng số nợ thuế đã thu được.

Thời gian tới, đặc biệt là trong quý II, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, nhất là trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Thuế tỉnh đã đề ra là: tổng hợp đầy đủ, chính xác các khoản nợ đọng thuế, triển khai áp dụng có hiệu quả các biện pháp quản lý, cưỡng chế nợ đọng thuế, thu hồi nộp NSNN đầy đủ, kịp thời. Cùng với đó ngành Thuế tỉnh thực hiện như: triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại công văn số 827/TCT - QLN ngày 13/3/2017; tập trung thu nợ đối với các doanh nghiệp có số nợ đọng lớn; phấn đấu thu dứt điểm nợ thuế năm 2016 chuyển sang, hạn chế nợ mới phát sinh, phân loại các khoản nợ thuế để thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định; tham mưu trình UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo thu, nộp NSNN để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với các cơ quan ban, ngành trong công tác quản lý thu NSNN và thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường công tác phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư trên địa bàn để nắm bắt kịp thời thông tin, thống kê về các dự án, công trình, địa điểm xây dựng và thông tin các nhà thầu xây dựng để theo dõi và có biện pháp quản lý thu thuế kịp thời, đầy đủ; thông báo trên các phương tiện thông tin đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, dây dưa không chấp hành nộp thuế, nộp phạt, vi phạm pháp luật về thuế. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi dây dưa, chây ỳ không nộp thuế, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước theo quy định.

Đức Huy
Bình luận
Back To Top