Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Chống gian lận thuế: Cần hành lang pháp lý toàn diện

14:36 - Thứ Sáu, 27/07/2018 Lượt xem: 2836 In bài viết
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5,7 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 508 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 9 nghìn tỷ đồng.

Những con số này cho thấy, tình trạng gian lận thuế hiện là thách thức lớn trong công tác quản lý thuế, đặc biệt khi hoạt động chuyển giá vẫn diễn ra phổ biến. Vì thế, việc xây dựng hành lang pháp lý toàn diện là giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh chống gian lận thuế cũng như giảm thiểu tình trạng thất thu ngân sách.

Chuyển giá đã trở thành… phổ biến

Kê khai sai, thiếu số thuế phải nộp vào ngân sách, thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế… là những phương thức gian lận thuế phổ biến hiện nay. Một trong những chiêu thức gian lận thuế được các chuyên gia “điểm mặt, chỉ tên” là hoạt động chuyển giá. 

 

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần chống chuyển giá, gian lận thuế.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, hoạt động chuyển giá hiện đã trở nên phổ biến không chỉ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước, và được gọi là chuyển giá nội địa. Tiêu biểu là vụ việc xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Dưới góc độ pháp lý, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco. Điều này có thể xem như gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Thế nhưng, điều khiến dư luận quan tâm là công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ, đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, dẫn tới công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VCTA) cho biết, trên thực tế có nhiều cách để doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá. Thứ nhất, thông qua nguyên vật liệu, tài sản cố định, dịch vụ tư vấn, bí quyết… doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ nâng giá trị lên từ 1,5 đến 2 lần khi giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, đơn vị ở Việt Nam sẽ chịu thua lỗ, lợi nhuận từ Việt Nam được chuyển ra nước ngoài. Thứ hai, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế ở trong nước để chuyển giá. Hiện tại, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Đồng thời, Nhà nước cũng có các chính sách ưu đãi thuế như cho doanh nghiệp hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 10-30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu và giảm 50% ở các năm tiếp theo… Song, điều này cũng gián tiếp làm xảy ra tình trạng chuyển giá giữa các đơn vị chịu thuế suất cao đối với đơn vị hưởng thuế suất thấp để tránh thuế.

Thiết lập hành lang pháp lý đủ mạnh

Thực tế công tác quản lý thuế hiện nay cho thấy, vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng khiến hành vi gian lận thuế có cơ hội nảy sinh. Theo ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 12, mấu chốt để xác định nhanh hành vi chuyển giá là phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ. Cần có các thông tin về những công ty đa quốc gia hiện đang đầu tư ở nhiều nước. Cụ thể, cần có dữ liệu về giá của một động cơ xe ô tô, bộ khung gầm… mà doanh nghiệp bán sang Thái Lan và sản phẩm tương tự bán tại Việt Nam. Hay cũng cần thu thập dữ liệu Hãng Coca Cola bán hương liệu cho các công ty con ở Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Singapore giá bao nhiêu; con số này khác với giá bán cho doanh nghiệp tại Việt Nam như thế nào? Từ cơ sở dữ liệu về giá như vậy, chúng ta mới có thể đấu tranh với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá tại Việt Nam. 

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động chống chuyển giá, gian lận thuế. Bởi nếu hành lang pháp lý không hoàn thiện thì cán bộ thuế có năng nổ đến đâu cũng không dám làm, và không có khuôn khổ để làm. Do đó, Nhà nước cần ban hành một luật riêng về chống chuyển giá. Trong quá trình thực thi pháp luật thuế sẽ dần phát hiện ra những “lỗ hổng”. Việc kịp thời điều chỉnh để lấp lỗ hổng sẽ giúp chính sách ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hơn. Trên thực tế, bản thân các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (gồm 30 quốc gia) cũng vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý của họ. Dự kiến, Luật Quản lý thuế sắp trình Quốc hội sẽ có một chương riêng về chuyển giá nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, số thu nội địa do ngành Thuế thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 47,6% dự toán. Song, vẫn có tới 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa đạt thấp, dưới 40%. Tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng như từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 43,7% dự toán; từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán. Tiến độ thu ngân sách đạt thấp kèm theo tình trạng thất thu thuế diễn ra phổ biến sẽ là những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý thuế những tháng cuối năm nay. 

Trong bối cảnh đó, việc sớm hoàn thiện một hành lang pháp lý đủ mạnh nhằm chống gian lận thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng sẽ góp phần thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách theo đúng mục tiêu của Bộ Tài chính.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top