Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Quy định mới về căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

08:36 - Thứ Tư, 20/02/2019 Lượt xem: 5093 In bài viết

ĐBP - Thuế bảo vệ môi trường là khoản thu của ngân sách Nhà nước, nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường với mục đích là tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước lấy từ người gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho môi trường để bù đắp cho các chi phí xã hội, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của các cá nhân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải.

Theo quy định tại Ðiều 3, Luật Thuế bảo vệ môi trường và Ðiều 2, Nghị định số 67/2011/NÐ-CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ được hướng dẫn quy định đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường như sau:

Một là: Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm: Xăng, trừ etanol; nhiên liệu bay; dầu diezel; dầu hỏa; dầu mazut; dầu nhờn; mỡ nhờn. Xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại khoản này là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hoá thạch xuất bán tại Việt Nam, không bao gồm chế phẩm sinh học (như etanol, dầu thực phẩm, mỡ động vật...). Ðối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng dầu gốc hóa thạch thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng dầu gốc hóa thạch.

Hai là: Than đá bao gồm: than nâu; than antraxit; than mỡ; than đá khác.

Ba là: Dung dịch hydro chloro fluoro carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô zôn dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.

Bốn là: Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Năm là: Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

Sáu là: Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

Bảy là: Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

Tám là: Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Chi tiết các loại thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng được xác định theo quy định tại Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14/7/2011 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Về người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định bao gồm: Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Ðiều 1 của Thông tư hướng dẫn thực hiện luật thuế bảo vệ môi trường. Người nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau: Người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa là người nộp thuế bảo vệ môi trường, không phân biệt hình thức nhận ủy thác nhập khẩu và xuất giao trả hàng cho người ủy thác hay nhận ủy thác nhập khẩu; tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, nhận gia công đồng thời nhận ủy thác bán hàng hóa vào thị trường Việt Nam là người nộp thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận gia công nhưng không nhận ủy thác bán hàng thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao gia công là người nộp thuế bảo vệ môi trường khi xuất, bán hàng hoá tại Việt Nam; trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Ðể phù hợp với tình hình thực tiễn, ngày 15/11/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 106/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Ðiều 5, Thông tư 152/2011/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 67/2011/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo quy định thì căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối. Trong đó: Mức thuế tuyệt đối làm căn cứ tính thuế đối với từng loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường ban hành theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 (biểu mức thuế quy định tại Nghị quyết 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đến ngày 31/12/2011).

TTHT
Bình luận
Back To Top