Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Giáo dục gia đình - nền tảng tạo nhân cách

15:13 - Chủ Nhật, 04/09/2016 Lượt xem: 1993 In bài viết

Sau 3 tháng hè, các con đã bước vào năm học mới. Với nhiều gia đình, đi học là một cuộc chiến căng thẳng của mẹ và con khi phải sắp xếp quỹ thời gian khi các con có quá nhiều “thể loại học”. Nếu không cho con học thêm một số các môn chính, học kỹ năng, năng khiếu thì sợ con thua bạn thua bè, còn để con ở nhà tự học thì lại sợ con lao vào các trò chơi trên internet…

Cân bằng quỹ thời gian

Theo khảo sát, có đến 80% phụ huynh than phiền không có thời gian ở nhà với con vì vậy họ phải cho con đi học để con không thua bạn bè trong lớp và đáp ứng được giờ giấc đón con của cha mẹ.

Nhiều phụ huynh thẳng thắn cho biết họ không còn cách nào khác khi mỗi ngày phải ra khỏi nhà vào 6 giờ 30 sáng và đến 7 giờ tối mới về nhà. Cuối tuần thì phải dọn dẹp nhà cửa, đi mua sắm và hàng trăm công việc khác nên thời gian ở bên con rất ít. Chị Hoàng Liễu, nhân viên kinh doanh Công ty ST (quận 3) cho biết, hai vợ chồng chị rất chật vật sắp xếp việc đưa đón con đi học, vì vậy họ phải chọn giải pháp đăng ký các lớp học thêm để con tiếp tục học cho đến giờ tan tầm của hai vợ chồng. Theo chị Liễu, thà nạp cho con thêm kiến thức qua các lớp học còn hơn để con ở nhà làm bạn với “iPad, iPhone”…hoặc những trò chơi vô bổ khác.

 

Cả nhà quây quần chia sẻ yêu thương.

Trong khi đó, Bảo Trâm, một bà mẹ Việt đang sống tại Nhật cho biết, ở Nhật học sinh dành phần lớn thời gian học tại trường. Một số phụ huynh vì quá bận rộn và lo lắng cho sức học của con sẽ chọn các trung tâm luyện thi hoặc các câu lạc bộ năng khiếu. Cô chia sẻ thêm, cha mẹ Nhật cũng rất bận rộn với công việc nhưng họ vẫn cố sắp xếp để cùng con cái lên kế hoạch cho các hoạt động vào những ngày cuối tuần như thăm ông bà, làm vườn, rèn luyện thể thao và cùng vào bếp. Họ muốn dạy con các kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày. Sau 8 năm ở Nhật, cô đã áp dụng cách giáo dục này với con của mình và kết luận, giáo dục gia đình vô cùng quan trọng. Nếu ở trường các con học được các bài học hữu ích cho cuộc sống ngoài xã hội sau này thì ở nhà các con học được những bài học yêu thương, những kỹ năng ứng xử trong cuộc sống từ các thành viên trong gia đình…

Đồng tình với ý kiến trên, tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa tâm lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM, khẳng định ngoài việc học ở trường thì thời gian ở nhà và cách giáo dục con của các bậc phụ huynh có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong việc định hướng tính cách cho con em mình.

Tiến sĩ Nam phân tích thêm: Lúc trẻ còn nhỏ (chưa định hình tính cách rõ rệt), thời gian trẻ học ở trường với thầy cô ít hơn thời gian ở nhà với cha mẹ. Mặt khác, khi ở nhà các em sẽ tự nhiên hơn, thoải mái bộc lộ tính cách nhiều hơn ở trường. Do vậy, cha mẹ là người phát hiện và nuôi dưỡng tính cách “thật” của con đầu tiên. Vì thế, sự giáo dục của gia đình gần như quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách của con qua từng ngày…

Tạo sức đề kháng cho con

Việc định hướng tính cách sẽ còn tiếp tục qua từng ngày, từng tháng, từng năm, nó gần như theo sát mỗi đứa trẻ. Và qua mỗi giai đoạn của cuộc đời, nếu không có sự giáo dục của gia đình (là then chốt, ngoài việc giáo dục tại trường học) thì con trẻ sẽ khó kiểm soát được hành vi, lối sống. Đó là chưa kể, mạng xã hội, internet đang tràn lan, len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội và gia đình khiến phụ huynh càng khó khăn trong việc kiểm soát con em mình. 

Do đó, phụ huynh cần nhắc nhở thường xuyên và định hướng liên tục để con em mình biết làm chủ cảm xúc, biết dừng đúng lúc. Không thể cấm đoán con tiếp xúc với mạng, vì đó là quyền lợi được tiếp cận kỹ năng công nghệ cao, nhưng cha mẹ phải biết kiểm soát thời gian của con em mình. Một ngày chỉ nên dành 2 giờ trên mạng, thời gian còn lại trẻ biết dành để đầu tư cho cuộc sống thật bằng lý trí sáng suốt và ý chí vững vàng. Muốn vậy phụ huynh phải cùng trẻ tạo ra sức đề kháng trước sự quyến rũ của trò chơi ảo, lối sống ảo…

Mặt khác nếu để trẻ tự do chơi đùa thoải mái sẽ dẫn đến việc quên động hình bồi dưỡng nhận thức trí tuệ, dễ rơi vào tình trạng quên lãng và tạo thành sức ỳ trong học tập về sau. Vì vậy, tổ chức cho trẻ hoạt động cân đối giữa ôn tập và vui chơi giải trí là hết sức cần thiết cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

“Riêng với các thanh thiếu niên, tuổi trẻ là giai đoạn vàng son của cuộc đời; vì vậy, hãy đầu tư trí tuệ và nhiệt huyết một thời tuổi trẻ cho tri thức và kỹ năng làm chủ tương lai của mình, nên nhớ tương lai chỉ được xây đắp bằng chính việc học hành hiện tại. Hãy quyết tâm làm chủ cuộc đời tương lai của mình bởi vì mỗi chúng ta chỉ sống một cuộc đời, hãy trân trọng và sống sao cho xứng đáng”, tiến sĩ Võ Văn Nam khuyên nhủ.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top