Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Trọng điều chung thủy

08:49 - Thứ Năm, 29/12/2016 Lượt xem: 1303 In bài viết
ĐBP - Một triết gia cổ Hy Lạp từng nói: “Phàm ở đời, cái gì chỉ hay cho mình tức là không hay cho ai nữa. Đó là tính ích kỷ và nó làm cho người ta khô cạn nhân tình, hết cả đạo lý, bất chấp lẽ phải”. Người ta sở dĩ đến nỗi vào tù ra tội cũng vì cái bệnh chỉ biết có mình. Vì  chỉ biết có mình mới suy tính trăm phương nghìn kế chỉ muốn cho mình cao quyền trọng chức, bổng lộc đầy nhà, thu nhập cao... còn thiên hạ, đồng nghiệp thì nghèo hèn, khó khăn, đau đớn... Bởi thế mà tuy hình hài con người, nhưng tâm địa như loài cầm thú, chỉ chờ cho người khác sơ hở, sai sót là mình “ra đòn”...

Mà không, tục ngữ có câu: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, cầm thú còn thương yêu nhau thế cơ mà. Trong bầy khỉ, khi một con chẳng may bị thương, cả đàn rất buồn, nhiều con hái lá thuốc bỏ vào miệng nhai trệu trạo rồi đắp vào vết thương cho bạn. Ngày hôm ấy và những ngày tiếp theo, con khỉ đầu đàn phân công một số con khi kiếm ăn phải mang về một ít thức ăn cho con bị thương đang nằm ở “nhà”. Sử sách Trung Quốc từng ghi lại những câu chuyện có thật, thâm thuý và hết sức cảm động: Một viên tướng lâm trận và hy sinh, con ngựa mà thường ngày viên tướng ấy cưỡi thậm chí còn biết khóc và khóc đến mức máu chảy ra ở hai khoé mắt. Con ngựa rất buồn và nhớ chủ, nó bỏ ăn, bỏ uống đến chết chứ nhất quyết không chịu sống cho người khác cưỡi. Trung thành đến thế là cùng, ở đời, thật tiếc là ngay cả giống người cũng nhiều kẻ không sau trước thuỷ chung được như con ngựa!

Vậy thì hạng người chỉ biết có mình, thậm chí còn không bằng cả loài cầm thú. Nếu con ngựa biết nghe, hẳn nó sẽ cãi: “Loài ngựa chúng tôi ăn ở tử tế cơ, chúng tôi thương yêu nhau và trọng điều chung thủy. Nếu ví chúng tôi như người chỉ biết có mình, tức là xúc phạm tới “phẩm hạnh” loài ngựa chúng tôi!”...

(Theo Cổ học tinh hoa)

Chu Thông
Bình luận
Back To Top