Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2017)

Nhen mãi lên ngọn lửa yêu thương

09:35 - Thứ Năm, 22/06/2017 Lượt xem: 2633 In bài viết

ĐBP - Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xin một vài số liệu về công tác gia đình và nỗ lực phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) 6 tháng đầu năm 2017, bà Nguyễn Thị Loan - Phó trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) cho biết hiện tại đơn vị chưa hoàn thiện báo cáo. Tuy nhiên, những thông tin bà Nguyễn Thị Loan cung cấp cũng đủ cho ta thấy bức tranh khá đầy đủ, về công tác gia đình ở tỉnh ta...

Theo bà Nguyễn Thị Loan, sau hơn 16 năm tồn tại trong đời sống xã hội như một “thiết chế văn hóa” phi vật thể, rất khó đo đếm bằng những con số định lượng, Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành một dấu mốc quan trọng, là dịp để các thành viên trong gia đình ngồi lại với nhau sau những tháng ngày bị cuốn theo nhịp sống công nghiệp với những lo toan, vất vả bộn bề. Đó là nội dung căn bản và rất nhân văn của Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 03/01/2013, về công tác gia đình. Thực hiện công văn hướng dẫn của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hàng năm phòng văn hóa - thông tin các huyện, thị, thành phố đã duy trì đều đặn các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11); tuyên truyền về đạo đức, lối sống trong gia đình, Luật phòng, chống BLGĐ, Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ..., với các hình thức như: treo băng zôn, loa truyền thanh, phổ biến thông tin trực tiếp qua các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố, tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ phòng chống BLGĐ.

 

Một gia đình người Mông vui trong hội khèn ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. Ảnh: Hải Yến 

Bằng những nỗ lực cụ thể của Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình, đến nay, mô hình phòng chống BLGĐ được triển khai tại 100% huyện, thị xã, thành phố; 95/130 xã, phường có Ban chỉ đạo; 198 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 343 nhóm phòng chống BLGĐ. Các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ vẫn đang tiếp tục duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng 1 lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi quý 1 lần, do điều kiện kinh phí không có nên thường tổ chức sinh hoạt lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; tọa đàm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10... Hoạt động chủ yếu của các câu lạc bộ, nhóm phòng chống BLGĐ là tuyên truyền, triển khai hoạt động, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có hành vi BLGĐ hoặc nguy cơ BLGĐ xảy ra trên địa bàn.

Hiện nay tỉnh ta có hàng chục nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa ở cả khu vực nông thôn và khu vực thành thị. Cùng với đó là hàng nghìn thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đạt chuẩn văn hóa. Tuy nhiên, tình hình BLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh vẫn gia tăng mà nạn nhân chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Nam giới là nguyên nhân của phần lớn các vụ BLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động tư vấn và hoạt động can thiệp của địa phương đối với các vụ BLGĐ đã đạt được một số kết quả. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp, đồng thời cũng phê phán, lên án những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp đạo đức như: Bất bình đẳng giới, tệ nạn xã hội, tình trạng thách cưới, tảo hôn và những hành vi trái với thuần phong, mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, giúp người dân nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn đạo đức, lối sống trong gia đình; không phân biệt đối xử con trai, con gái, các con đều được yêu thương, quan tâm, chăm sóc bình đẳng như nhau; từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử vợ - chồng, chia sẻ công việc gia đình…

Theo báo cáo kết quả năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 207 vụ BLGĐ, trong đó: Bạo lực tinh thần 60 vụ; bạo lực thân thể 135 vụ; bạo lực tình dục 4 vụ; bạo lực kinh tế 8 vụ. So với năm 2015 số vụ BLGĐ tăng 19 vụ. Việc thu thập số liệu về BLGĐ khá nhạy cảm nên công tác thu thập ở cơ sở gặp khá nhiều khó khăn và chưa sát với tình hình thực tế. Hoạt động can thiệp của địa phương đối với các vụ BLGĐ cũng đạt được một số kết quả. Số người gây bạo lực được tư vấn: 157; số nạn nhân bạo lực được tư vấn: 135; số vụ BLGĐ được đưa ra góp ý tại cộng đồng dân cư: 179/207 vụ. Trên địa bàn toàn tỉnh có 576 địa chỉ tin cậy cho nạn nhân của BLGĐ, 1.061 tổ hòa giải cơ sở với 9.090 hòa giải viên.

Nhìn chung BLGĐ vẫn thường xuyên xảy ra và có xu hướng ngày càng phức tạp, nhận thức về BLGĐ, bình đẳng giới còn hạn chế. Vấn đề bình đẳng giới được truyền thông rộng rãi song chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tình trạng BLGĐ tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là phụ nữ. Hành vi ứng xử của các thành viên (người cha, người chồng, người anh) trong gia đình đối với con, vợ và các em gái, người cao tuổi còn thiếu kiến thức, thiếu văn hóa do họ chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm, do tính gia trưởng hoặc do nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, phong tục tập quán, ý thức hệ trong mỗi gia đình còn tồn tại. Chính vì vậy, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi luôn là đối tượng (nạn nhân) phải chịu áp lực căng thẳng từ những người đàn ông trong gia đình. Chính quyền các địa phương đã có sự kết hợp đồng bộ giữa những biện pháp tuyên truyền, giải thích, tư vấn, giáo dục, hòa giải, đồng thời có những biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp đối với từng vụ việc, do vậy nạn nhân bị BLGĐ được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời, không để tình trạng BLGĐ xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn. Các địa chỉ tin cậy đã phát huy được hiệu quả nhất định khi giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Đa số các vụ BLGĐ đều được hòa giải và dần ổn định trở lại sau khi góp ý. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa chỉ tin cậy, tổ hòa giải hoạt động chưa thật năng động, hăng hái.

Một điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ là tới thời điểm này, kiểm tra hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm phòng chống BLGĐ, chỉ có 2/10 huyện, thị, thành phố có kinh phí hoạt động là thành phố Điện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo; còn lại các huyện khác không được cấp kinh phí nên rất khó khăn cho công tác triển khai công tác gia đình, phòng chống BLGĐ. Mặt khác, ở một số cơ sở việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên còn chậm và chưa thực sự nghiêm túc, chưa đảm bảo thời gian quy định đề ra. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa đi sâu đến các hộ gia đình. Do đó một số gia đình xảy ra bạo lực tỏ ý coi thường pháp luật, họ cho đấy là việc riêng của gia đình, không cần sự can thiệp của chính quyền địa phương.

Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo như Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, hàng năm, với các chủ đề khác nhau, Ngày Gia đình Việt Nam được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhằm nhen mãi lên ngọn lửa yêu thương trong các gia đình…

Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top