Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Nhen lên ngọn lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình

09:30 - Thứ Tư, 28/06/2017 Lượt xem: 2786 In bài viết
ĐBP - Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một tệ nạn xã hội, gây tổn thương về tinh thần và thể chất cho nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; ảnh hưởng xấu đến xã hội. BLGĐ xuất hiện với các loại đối tượng và biểu hiện khác nhau, như: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần... gây thương tích về thân thể, tổn thương tinh thần, xâm phạm đến quyền con người, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bị bạo hành.

 

Vợ chồng cùng lao động, đó là cách tốt nhất để chia sẻ và gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình.

Ông Mai Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, huyện Nậm Pồ (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình), cho biết: Những năm qua, trên cơ sở, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và 15/15 xã nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm, tình hình, như: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT - XH; chỉ đạo các cấp, ngành, ban hành văn bản hướng dẫn về đào tạo cán bộ, quy hoạch cán bộ; dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ... Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11... với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú, như: Lồng ghép trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, họp bản, trao đổi về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình; tổ chức các buổi tuyên truyền bằng xe lưu động, nêu gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục đạo đức, lối sống... Các câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên” phát triển theo chiều hướng tích cực và hoạt động có hiệu quả. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện phát hiện và xử lý 5 vụ bạo lực gia đình (giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm trước); đa số các vụ BLGĐ xảy ra do uống rượu, tệ nạn xã hội, cờ bạc, ma túy; khó khăn về kinh tế và không hiểu biết về pháp luật. Hiện nay, huyện đã thành lập và duy trì 132 tổ tư vấn, hòa giải hoạt động ở 15 xã; xây dựng thành công và duy trì 28 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng các xã: Nà Bủng, Na Cô Sa, Nặm Khăn, Si Pa Phìn, Vàng Đán… Qua đó, góp phần giúp người dân nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh; từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử vợ, chồng; xây dựng gia đình văn hóa, tiến bộ, hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nà Khoa - Một trong những xã triển khai và duy trì “Mô hình phòng chống bạo lực gia đình” đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu tình trạng BLGĐ. Ông Sùng A Lềnh, quyền Chủ tịch UBND xã Nà Khoa, cho biết: Để phát huy quyền làm chủ và bình đẳng giới, Ban Chỉ đạo xã đã thành lập các câu lạc bộ phòng chống BLGĐ ở cơ sở; thiết lập đường dây điện thoại nóng gọi tới Ban Chỉ đạo; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới cho cán bộ, nhân dân. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xã tổ chức các lớp tập huấn Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Với sự chủ động, tích cực của các tổ hòa giải, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn xã không xảy ra các vụ về BLGĐ.

Có thể thấy rằng, với những nỗ lực của Ban Chỉ đạo trong công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội... Góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân; thúc đẩy hành vi bình đẳng giới, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; xây dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top