Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Ức chế sống chung với mẹ chồng: Hãy hiểu mẹ không còn nhiều thời gian nữa

16:38 - Thứ Hai, 10/07/2017 Lượt xem: 3184 In bài viết
Sống với mẹ chồng quả là ức chế thật, phẫn uất ấy chứ, nhưng “bản tính khó dời”, nhất là người đã sống đến bên kia dốc cuộc đời. Nàng dâu nên hiểu, thay đổi suy nghĩ và hành động của mình dễ hơn rất nhiều thay đổi người khác.

Giờ tôi hay bị ám ảnh về nhân quả, sau đó tôi lại đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ chồng, đúng là bà cũng cô đơn thật. Như mẹ chồng bạn, bạn thử thông cảm với bà xem, biết đâu bà có tiền sử bệnh tật từ xưa, hoặc đang đau ốm trong người mà không thổ lộ sợ con lo lắng, không khéo trong lòng bà cũng có những ẩn ức chẳng thể giãi bày. Người già hay trái tính trái nết, khó chiều và biết đâu sau này mình cũng thế?

 

Dần dần tôi hiểu ra, vấn đề thường từ chính phía bản thân mình chứ không phải ai khác. Tôi đã quá cầu toàn, quá quan trọng hóa mọi việc, cứ muốn mọi việc phải như ly như lau theo ý… Song, đó là người lớn tuổi chứ không phải con mình mà đòi phải nhất mực khuôn phép, nề nếp như mình đề ra.

Đó là mẹ của chồng mình, một người đã già cả, thời gian của họ không còn nhiều. Và hơn hết giờ mẹ chồng bạn cũng chẳng biết đi đâu, chẳng biết làm gì.

Vợ chồng bạn còn trẻ, còn cả một cuộc sống ở phía trước, các bạn đã xây được nhà, có con cái khỏe mạnh, tiền còn có thể kiếm ra được, chịu nhịn chút cho êm cửa êm nhà, cho con cái nhìn vào làm gương.

Tôi nghĩ, chồng bạn kiếm được người như bạn hẳn không phải phường dốt nát, anh ấy chắc phải đầy ưu điểm thì bạn mới lấy, người như thế chẳng khó gì mà không biết mẹ mình là người thế nào, cần gì bạn nói ra.

Vậy theo bạn thì anh ấy phải làm gì? Hắt hủi mẹ, đuổi mẹ ra khỏi nhà à? Vì có nói, có khuyên, thì những việc làm được chắc anh ấy đã làm rồi, nhưng đâu thể suy chuyển, chồng bạn hẳn cũng bất lực như bạn thôi.

Tốt nhất bạn hãy cố nghĩ thoáng ra, việc về nhà muộn chỉ là giải pháp tình thế, nó không thể lâu dài được. Theo tôi, bạn nên cùng chồng và các con cải thiện, hãy gọi chồng, đón con về sớm, để bà dẫn các cháu đi chơi, tham gia hoạt động ngoài trời, rất có lợi cho sức khỏe, còn bạn thì ở nhà thư thái, nghỉ ngơi hoặc dọn dẹp tùy thích. Bà ở nhà cả ngày chắc cũng buồn, bí chân tay.

Mong muốn của người già thực ra không nhiều, họ có muốn ăn ngon, ăn lắm cũng khó, vì bộ máy tiêu hóa đã kém, ăn nhiều bụng óc ách khó chịu nào ngủ được. Họ cũng chẳng thể đi chơi xa vì đủ các thể loại bệnh của tuổi già. Có khi họ chỉ cần được ở bên con cái vui vầy là đủ, bạn hãy cố kiên nhẫn lắng nghe và mỉm cười, lỡ gặp chuyện chối quá thì vờ điếc cho qua.

Đôi khi nhân đó bạn góp chuyện kể về người này người kia, hay nói về việc hoạt động tay chân có lợi cho người già ra sao, “Thi thoảng mẹ lau, quét giúp con cái nhà, để chân tay bận rộn cũng là vận động, tập thể dục đấy”.

Bà làm được ít thì cứ suýt ra nhiều vào, khen cật lực, chả đi đâu mà thiệt. Chứ bạn toàn im im bà tưởng con dâu không cần, chắc nó chê mình làm không sạch. Nói chung, ít nhiều vẫn phải nói để mẹ con hiểu nhau, song lựa lời mà nói, bình tĩnh giải thích.

Nếu xác định muốn chung sống lâu dài thì cần phải thẳng thắn, đôi bên cùng xây dựng, đừng ủ dột lặng im mà lại yêu cầu người khác phải hiểu, có phải thánh đâu mà đòi đọc được suy nghĩ của đối phương.

Bạn cùng chồng khuyên bà tham gia vào hoạt động giúp ích xóm làng, bà đi cho khuây khỏa, căn nhà cũng được lặng yên chốc lát. Bà thích tiền thì thi thoảng bạn biếu bà, có nhiều cho nhiều, ít thì cho ít, gọi là động viên người già để họ tự tin hơn, còn mình thì chẳng nghèo đi được.

Và bạn hãy tự nhủ, mình đang tích đức cho con cái sau này, làm phúc hơn làm giàu…

P.V (Theo Dân trí)
Bình luận
Back To Top