Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Vợ chồng trẻ nên có kế hoạch chi tiêu thế nào?

15:00 - Thứ Ba, 24/10/2017 Lượt xem: 4299 In bài viết
Chi phí sinh hoạt ngày càng cao, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn, khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải vắt sức trang trải. Tuy nhiên, không phải chỉ có hai vợ chồng trẻ đau đầu với việc quản lý chi tiêu, nhiều gia đình thu nhập “khủng” cũng không tiết kiệm được là bao.

“Vung tay quá trán”

Vợ chồng chị Thu, anh Khánh (Hà Nội) lập gia đình được 3 năm, chưa có con. Hai vợ chồng là dân ngoại tỉnh nên vẫn phải thuê nhà, hàng tháng chi phí cho việc thuê nhà, điện nước là 5 triệu. Thu nhập trung bình của hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu/tháng, trừ chi phí ăn tiêu hết sức tiết kiệm, vợ chồng chị Thu để ra được 10 triệu mỗi tháng.

 

Sau 3 năm làm việc, anh chị tiết kiệm được 250 triệu đồng, dự tính để mua nhà nhưng chưa đủ. Hai vợ chồng cũng không vay mượn được người thân vì hoàn cảnh gia đình hai bên đều khó khăn. Tham khảo nhiều dự án chung cư giá rẻ thì mức đặt cọc đều cao, anh Khánh làm tự do (lái xe tải) nên không có hợp đồng lao động, chị Thu thì mức thu nhập thấp nên vay tiền ngân hàng không được mức cao nhất.

Tính cố gắng tiết kiệm thêm vài năm nữa rồi tìm những dự án xa trung tâm thì đầu năm ngoái, chị Thu được bạn giới thiệu cho một dự án chung cư với giá cả rất hợp lý dành cho những người có thu nhập thấp, một căn hộ 50 mét vuông chỉ rơi vào tầm 1,1 tỷ đồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km, không gian sống và tiện ích rất tuyệt vời. Hai vợ chồng quyết định đặt cọc mua trả góp và lên kế hoạch để khi nhận nhà mới có con.

Nhưng “người tính không bằng trời tính”, mới trả góp được vài tháng thì chị Thu có thai. Chị bàn với chồng hay là bán căn hộ đi, lấy tiền gửi tiết kiệm mỗi tháng cũng dư ra đôi triệu, chứ sinh con phải mấy tháng mới đi làm trở lại. Chồng chị gạt đi, bảo sẽ cố gắng và ra sức “cày cuốc” rộc cả người. Nhìn chồng thấy xót xa, chị Thu thảng thốt đúng là phải hoạch định chi tiêu một cách cẩn thận thì mới không lâm vào cảnh khốn khổ như vậy.

Chị Nguyễn Thị Giang (Gia Lâm, Hà Nội) thì trình bày, vợ chồng chị đều là công chức và mới có một bé gần 2 tuổi. Chị hiện dạy ở một trường tiểu học, chồng là cán bộ của một doanh nghiệp nhà nước. Tổng thu nhập trung bình một tháng của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng. Ngày trước chưa có con, chị cho rằng mình chi tiêu khá xông xênh, hàng tháng còn để dành ra vài triệu đồng tiền tiết kiệm.

Nhưng từ ngày nuôi con nhỏ, chị không tiết kiệm được đồng nào, thỉnh thoảng còn phải xin thêm viện trợ ông bà nội, ngoại mới đủ chi tiêu. Những tháng có việc đột xuất lại càng bí bách, đấy là hai vợ chồng chị còn không phải thuê nhà. Chị đang đau đầu không biết làm sao để cân đối cho hợp lý vì tính đi xét lại khoản nào cũng cần phải tiêu cả.

Ngược lại với hoàn cảnh của hai chị Thu và chị Giang, chị Nguyễn Thu Hà, có mức thu nhập đáng mơ ước lên tới 50 triệu đồng nhờ giữ vị trí phụ trách kinh doanh của Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định (Vinacert) trong khi chồng là đầu bếp người Pháp với mức lương cao hơn vài chục triệu đồng. Dù thu nhập trên 100 triệu/tháng nhưng vợ chồng chị Hà hiện vẫn đi thuê nhà do các khoản chi tiêu hàng tháng “vô cùng tốn kém”.

“Con tôi học trường quốc tế mỗi tháng hơn 10 triệu đồng học phí, đứa nhỏ 4 tuổi gửi mẫu giáo trường tư cũng hết 2,5 triệu đồng, tiền thuê nhà 16 triệu đồng, trả lương giúp việc hơn 4 triệu đồng, ăn nhà hàng tất cả dịp cuối tuần nhẹ nhàng cũng hết 10 triệu đồng. Tháng nào cũng ngót nghét 70-80 triệu đồng cho gia đình 4 người” - chị Hà thống kê và cho biết do “ít tính toán” nên cũng có tháng chi tiêu của cả gia đình tới cả trăm triệu đồng.

Quy tắc 4-3-2-1 của chuyên gia tài chính

Theo lời khuyên của chuyên gia tài chính Hải Hà, dù thu nhập của mỗi gia đình là bao nhiêu, cũng nên để dành tiết kiệm ít nhất là 10%. Để đảm bảo chi tiêu trong gia đình, nên chia tổng thu nhập của hai vợ chồng thành 4 quỹ: chi tiêu chung cả nhà, chi tiêu cho riêng vợ và chồng, chi tiêu cho con và phần còn lại tích lũy. Có thể chia theo tỷ lệ lần lượt là 4-3-2-1 hay 3-3-3-1…, tùy điều kiện thực tế của gia đình và bỏ riêng từng quỹ vào các phong bì để chi dùng. Tuyệt đối tránh tình trạng kẹt quá, lấy quỹ này xài đỡ cho quỹ kia, hay đến ngày đóng học cho con phải chạy đôn chạy đáo đi vay mượn.

Cũng để tránh tình trạng chật vật chi tiêu, những khoản cố định bắt buộc phải chi như tiền sữa, tiền học cho con, tiền đi chợ, điện, nước, gas… đều phải chia nhỏ, bỏ vào từng phong bì riêng và cương quyết không dùng đến. Đi chợ bao nhiêu tiền và dù có thế nào cũng đừng mua nhiều hơn số tiền đã định. Ngoài ra, nên có kế hoạch để dành mỗi tháng vài trăm nghìn, phòng khi có việc cần (đau ốm, quà cáp sinh nhật, cưới hỏi…). Số tiền để dành này hãy để vào một phong bì và đừng bao giờ đụng đến.

Quy tắc chi tiêu này đã được nhiều gia đình áp dụng thành công như gia đình anh Hải chị Ngọc Anh. Là nhân viên, không kinh doanh gì thêm, thu nhập ổn định của vợ chồng anh Lê Quang Hải (giáo viên dạy thanh nhạc) và chị Ngọc Anh (nhân viên thuộc Tập đoàn FPT) ở mức gần 20 triệu đồng/tháng.

Chị Ngọc Anh chia sẻ, tiền lương vợ chồng được phân bổ trong 6 chiếc lọ, lọ nào chi riêng cho khoản ấy. Lọ 1 (chiếm 55% thu nhập) dành cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Lọ 2 chứa khoản tiền tương đương 10% thu nhập dành cho việc mua sắm, giải trí.

10% thu nhập khác được cho vào lọ thứ ba để chi cho giáo dục - phát triển bản thân, mua sách vở cho con... 20% thu nhập khác cho lần lượt vào lọ thứ 4 và thứ 5 để tiết kiệm làm quỹ tự do tài chính, dành vốn để kinh doanh và tiết kiệm dài hạn. 5% thu nhập còn lại dành cho việc từ thiện, đối ngoại, hiếu hỉ, giúp đỡ người thân trong gia đình.

Nhiều năm nay kế hoạch chi tiêu của chị Ngọc Anh được tuân thủ chặt chẽ. Vì vậy, sau 6 năm kết hôn, anh chị có con trai 4 tuổi, tài sản là căn hộ chung cư mua trả góp.

P.V (Theo Dân trí)
Bình luận
Back To Top