Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28/6)

Ðể yêu thương sưởi ấm gia đình

09:08 - Thứ Năm, 21/06/2018 Lượt xem: 5438 In bài viết
ĐBP - Người xưa có câu “Ðàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nghĩa nói rằng người chồng là trụ cột trong gia đình, có trách nhiệm lo những việc lớn như kiếm tiền, làm nhà…, còn người vợ có vai trò chăm lo việc cơm nước, giặt giũ, chăm sóc con cái và là người có trách nhiệm “giữ lửa” trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Có lẽ quan điểm này chỉ phù hợp trong một thời điểm hoặc hoàn cảnh nhất định nào đó. Ðể gia đình hạnh phúc, nếu chỉ một người lo “giữ lửa”, một người “xây tổ ấm”, nâng niu vun đắp, gìn giữ thì dù cho ngôi nhà ấy có to đẹp và tiện nghi đến mấy cũng khó mà vẹn tròn. Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, cũng như hạnh phúc làm sao khi được xây đắp bởi một người! Vì thế để có một gia đình yêu thương, hạnh phúc, trước hết phải được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương, chia sẻ, cùng nhau gánh vác việc gia đình.

 

Tổ ấm của gia đình chị Nguyễn Thị Hương.

Dù ở thời đại nào gia đình luôn là nhân tố quan trọng trong việc duy trì và phát triển đời sống xã hội. Chính vì thế, trong những năm gần đây, công tác gia đình được Ðảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhiều chính sách về gia đình được ban hành, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh được các tổ chức chính trị, xã hội đặc biệt quan tâm và đề cao; nhiều hoạt động được triển khai hiệu quả. Như: Mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nhà sạch, cổng đẹp” của Hội Phụ nữ phường Na Lay (TX. Mường Lay); mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” bản Chiềng An, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo); Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, tổ 21, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), hay Hội thi “Bữa cơm gia đình điểm 10” do Hội LHPN tỉnh tổ chức…. Song song với đó Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng triển khai các phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa phát triển rộng khắp như: Gia đình hạnh phúc; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; không sinh con thứ ba; gia đình không có bạo lực... 

Gia đình chị Phạm Thùy Dương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình vui vẻ, tổ 12, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) được bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt được hàng xóm đánh giá là gia đình hạnh phúc, xứng đáng là gia đình kiểu mẫu. Gia đình chị có 4 thành viên, hai con đã bước vào bậc tiểu học, còn chồng chị công tác trong đơn vị quân đội, thường xuyên xa nhà, tuy nhiên gia đình chị lúc nào cũng tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Trong nhà gọn gàng, ngăn nắp, chị Dương khiêm tốn chia sẻ: Vợ chồng mình luôn có quan điểm công việc cơ quan ai cũng phải hoàn thành tốt, còn với việc gia đình thì cùng nhau làm chứ không có sự chia việc, nhất là việc chăm sóc con cái, thu vén nhà cửa. Ðược biết, Câu lạc bộ Gia đình vui vẻ do chị Dương phụ trách có trên 10 gia đình tham gia. Câu lạc bộ tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như: picnic hoặc cùng nhau tổ chức bữa cơm gia đình, tạo sự gắn kết giao lưu giữa các thành viên và nạp năng lượng cho tuần làm việc mới.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hương, phố 5, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) có 3 thế hệ cùng chung sống, các thành viên trong gia đình luôn vui vẻ, đoàn kết. Chị Hương bày tỏ quan điểm việc giữ gìn gia đình hạnh phúc: Bữa cơm gia đình là quan trọng nhất, chẳng phải ngẫu nhiên mà khi muốn xem một gia đình có ấm áp hay không, đầu tiên người ta đi vào phòng bếp của gia đình đó. Thực tế hiện nay, có những gia đình cả tuần không nổi lửa, cơm mua ở quán để đỡ mất thời gian nấu nướng. Nếu người phụ nữ giải phóng mình khỏi bếp núc, thì sớm muộn cũng giải phóng luôn cả gia đình của mình. Theo chị Hương, dù thế nào, để “giữ lửa gia đình” các thành viên ngoài việc phải tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ công việc và duy trì bữa ăn chung ở nhà, đặc biệt là cuối tuần.

Thực tiễn cho thấy xã hội dù văn minh đến đâu, con người có hiện đại đến mấy thì mái nhà, tổ ấm phải được dựng xây từ những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp như thủy chung, hòa thuận, hiếu thảo, lễ nghĩa, tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên với nhau. Nếu thiếu những phẩm chất này, tình cảm gia đình, quan hệ gia đình sẽ bị phân tán, mờ nhạt và tổ ấm có nguy cơ tan vỡ. Thực tế, những năm gần đây, số vụ ly hôn ngày càng nhiều, tỷ lệ năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân TP. Ðiện Biên Phủ, năm 2017 tổng án hôn nhân và gia đình trên địa bàn thành phố là 242 vụ và 6 tháng đầu năm 2018 là 180 vụ. Con số này cho thấy số vụ ly hôn 6 tháng đầu năm 2018 chiếm hơn 2/3 số vụ ly hôn của cả năm 2017.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), mỗi chúng ta hãy nhìn lại mình, hãy trở về nhà để vun đắp cho mái ấm gia đình bằng những việc làm đơn giản mà bấy lâu nay mình lãng quên. Có thể chỉ là một lần hủy bỏ bữa tiệc để về nhà sớm hơn, hoặc bỏ điện thoại xuống để cùng nhau vào bếp chuẩn bị bữa cơm gia đình; quên đi những tự do riêng tư để về nhà ăn một bữa cơm có đầy đủ ông bà cha mẹ, con cái, để thấy rằng yêu thương không phải là những điều gì to tát mà xuất phát từ những điều giản dị.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top