Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Bạo lực gia đình - nỗi đau dai dẳng

09:09 - Thứ Năm, 21/06/2018 Lượt xem: 14050 In bài viết
ĐBP - Bạo lực gia đình (BLGÐ) không chỉ làm xói mòn các giá trị đạo đức, phá vỡ sự bền vững của gia đình, mà còn là một trong những nguy cơ dẫn đến gia đình ly tán; gây tổn thương về mọi mặt tới những người thân yêu… Hệ lụy từ BLGÐ ai cũng thấy, cũng hiểu nhưng vẫn còn đó là những tiếng thở dài cam chịu thậm chí là im lặng của nạn nhân từ các vụ BLGÐ…

Nhiều người ở xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) không lạ gì với nỗi khổ của chị T. phải chịu đựng bao năm qua. Dù con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, lên chức ông bà nội, ông bà ngoại nhưng nỗi đau về thể xác mà chị T. phải chịu không hề thuyên giảm. Chồng chị T. không chỉ đánh đập, mắng chửi vợ con mỗi khi uống rượu mà từ khi nghỉ chế độ lại càng hay uống rượu hơn. Với chị T. mỗi lần như thế lại phải lánh sang nhà hàng xóm hoặc nhà con gái. Cam chịu sự bạo hành đã hơn hai chục năm qua nhưng chị T. cạy miệng cũng không bao giờ than thở nhờ các tổ chức hội, đoàn thể, tổ hòa giải ở cơ sở giúp đỡ. Biết chuyện, tôi gặng hỏi mãi, chị T. mới mở lòng: Ông ấy (chỉ người chồng - PV) dù sao cũng là cán bộ Nhà nước; là người có địa vị nhất định trong thôn xã, nói ra những chuyện này thì khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, mà xấu ông ấy thì mình nào có sung sướng gì trước điều tiếng của thiên hạ. Thôi thì vợ chồng ở với nhau đã có 2 mặt con, 2 cháu nội ngoại, biết tính ông ấy để tránh cho xong!.

 

Người dân xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) tập huấn công tác phòng chống BLGÐ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) tổ chức.

Cũng là BLGÐ nhưng với gia đình chị Ð. ở phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) lại xuất phát từ những khó khăn về kinh tế, thói ham vui, đàn đúm của người chồng. Hai vợ chồng có việc làm, đồng lương khéo co cũng đủ chi tiêu, chăm lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng thay vì cùng người vợ chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền thì mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông vào đồng lương của chị Ð. Chồng chị ham vui, thường xuyên tụ tập bia rượu với bạn bè. Con cái còn nhỏ, ốm đau liên miên vừa không người chăm sóc rồi tiền thuốc men phải vay mượn. Khuyên nhủ chồng nhiều lần nhưng không được, sẵn bực bội, áp lực trong cuộc sống chị Ð. hay buông lời trách móc mỗi khi chồng đi tụ tập bạn bè về muộn. Rồi lời qua tiếng lại, chồng chị Ð. lao vào đánh, mắng và đuổi chị ra khỏi nhà… Ðỉnh điểm của những trận thượng cẳng chân hạ cẳng tay là vết sẹo dài trên trán chị Ð. do bị chồng cầm mũ bảo hiểm đập thẳng vào đầu khi say rượu. Máu tuôn xối xả, chị Ð. bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu. Sau lần ấy, chị Ð. thừa nhận: Mình có tật nói nhiều, hay cằn nhằn, nhưng cũng chỉ mong chồng thay đổi tâm tính chí thú làm ăn, biết sẻ chia, đỡ đần việc nhà.

Theo báo cáo kết quả về công tác phòng chống BLGÐ của các huyện, thành thị, thành phố (tuy chưa đầy đủ) hàng năm trong tỉnh, cho thấy, tình hình BLGÐ trong vài năm gần đây có giảm nhưng còn nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành. Riêng năm 2017 vẫn còn xảy ra 178 vụ BLGÐ; trong đó các vụ bạo hành đối với phụ nữ chiếm hơn 94%. Ðại đa số là các vụ đánh đập thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Dù công tác phòng, chống BLGÐ đã được các cấp, các ngành quan tâm có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Song do nạn nhân bị bạo lực phần muốn che giấu vì xấu hổ với người thân, hàng xóm phần vì tâm lý coi trọng thể diện gia đình. Nạn nhân bị bạo lực thường chỉ khai báo, tố cáo người gây ra bạo lực với các tổ chức hội, chính quyền và các cơ quan chức năng khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Trước thực trạng đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền các thông điệp về bình đẳng giới và phòng, chống BLGÐ bằng nhiều hình thức, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo duy trì hoạt động các “Ðịa chỉ tin cậy” ở cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị BLGÐ về nơi tạm lánh, nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Ðến nay đã xây dựng được 307 địa chỉ tin cậy trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác hòa giải, tư vấn tại cơ sở khi xảy ra các vụ BLGÐ đã được triển khai thực hiện, nhưng vẫn bó buộc theo lối mòn khuyên người phụ nữ dịu bớt nóng giận để trở về nhà - nơi bạo lực vẫn có nguy cơ rình rập. Vẫn biết rằng, BLGÐ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Thế nhưng dù là bất cứ nguyên nhân nào, do đâu thì việc vợ chồng mâu thuẫn, gây tổn thương cho nhau cũng là chuyện vô cùng đáng tiếc. Vết sẹo trên da thịt sẽ lành theo năm tháng, nhưng những thương tổn trong lòng sẽ chẳng thể xóa nhòa. Vì thế hơn ai hết mỗi người chồng, người vợ hãy biết trân quý những tình cảm thiêng liêng ấy để cùng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; để gia đình luôn là chốn đi về của mỗi thành viên để được chia sẻ, để được yêu thương.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top