Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Ðể gia đình luôn ấm êm, thuận hòa

08:40 - Thứ Tư, 27/06/2018 Lượt xem: 5693 In bài viết
ĐBP - Tệ nạn xã hội, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình được xem là những nguyên nhân trực tiếp của bạo lực, làm gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình. Thực tế hiện nay, nạn nhân của bạo lực gia đình không chỉ dừng lại ở người phụ nữ mà ngay cả ở trẻ em và người già. Ðể ngăn chặn tình trạng trên, những năm qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm.

Một trong những nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Hiểu rõ về nguy hại của bạo lực gia đình, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác gia đình, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa thông qua việc: Tổ chức các cuộc thi, hội thi về công tác gia đình; tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới… từ đó góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân, đẩy lùi bạo lực trong mỗi gia đình.

 

Tiểu phẩm trong Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Ðiện Biên tổ chức.

Nằm cách xa trung tâm huyện Tuần Giáo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, song thời gian qua nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Mường Khong luôn nỗ lực thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhờ đó tình trạng bạo lực gia đình giảm. Từ đầu năm 2018 đến nay, xã chỉ có 1 vụ việc bạo lực gia đình, song sau khi có sự can thiệp của chính quyền, sự việc đã không còn tái diễn. Ông Lường Văn Phòng, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Hàng năm, xã chủ động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch phát triển của xã; tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, việc nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức: Thành lập các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, hướng dẫn trạm y tế bố trí nơi tạm lánh, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình… cũng được các cơ quan chức năng quan tâm. Hiện nay toàn tỉnh có trên 800 địa chỉ tin cậy, hơn 1.800 tổ hòa giải cơ sở với 9.502 hòa giải viên. Hoạt động của các tổ hòa giải đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, đoàn kết thôn, bản, tổ dân phố, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ngoài ra, mô hình thực hiện Ðề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” cũng được triển khai và nhân rộng ở tất cả các huyện, thị, thành phố.

Bà Ðỗ Thị Nhung, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Ðể việc phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả cao, các câu lạc bộ, mô hình, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình sẽ kết hợp công tác tuyên truyền với ngăn chặn, đồng thời giải quyết kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc nguy cơ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, tích cực giáo dục, vận động các gia đình tự giác, tự nguyện thực hiện tốt nếp sống văn minh; các quy ước, hương ước; chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng và kinh nghiệm của bản thân; kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái, giao lưu các hoạt động văn hóa, thể thao… từ đó, góp phần làm giảm số vụ bạo lực gia đình. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh chỉ xảy ra gần 200 vụ. Ðây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn cả thành viên khác trong gia đình; tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, hoạt động kinh tế. Do đó, để góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình, theo bà Ðỗ Thị Nhung, trước hết cần xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng ai. Cùng với đó, các cấp, ngành tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương, làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững. Ðồng thời, giúp cho mỗi gia đình luôn ấm êm, thuận hòa.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top