Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Tình yêu của những chiến sĩ Ðiện Biên

Bình dị mà đẹp biết bao

15:31 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 29679 In bài viết
ĐBP - Chuyện tình yêu đôi lứa chân thành, thủy chung luôn đầy thi vị, tô điểm cho đời. Và tình yêu trong thời mưa bom bão đạn, gian khó dựng xây sau chiến tranh của những người lính càng đẹp hơn bao giờ hết. Ðó là tình cảm không hào nhoáng, phô trương mà thật bình dị, đậm sâu, đủ để 2 con người xa cách về địa lý, văn hóa hay gia cảnh có thể vượt qua mọi khó khăn, trắc trở để gắn bó bên nhau, đồng cam cộng khổ, vun đắp mái ấm hạnh phúc.

Hẹn ước không lời

Năm 1949, người thanh niên 19 tuổi Phạm Bá Miều (quê Thụy Dương, Thái Thụy, Thái Bình) lên đường nhập ngũ mang theo hình ảnh người con gái nhỏ nhắn ở quê nhà. Trong bom đạn khốc liệt, bước chân anh trải khắp dải đất Cao - Bắc - Lạng đến Thượng Lào, Hạ Lào, rồi cuối cùng dừng tại mảnh đất Ðiện Biên. Khi ấy là cuối năm 1953, anh được điều về Ðại đội 76, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ với hàm Tiểu đội trưởng. Suốt những năm chinh chiến, người thanh niên ấy đã đối mặt với bao nguy hiểm, chứng kiến bao đồng đội hi sinh với nhiều đau thương, mất mát. Những lúc ấy, nụ cười dịu hiền, ánh mắt tin tưởng khi chia tay của người con gái quê nhà lại tiếp thêm động lực cho anh kiên cường, vững chí. Nhưng chiến tranh ác liệt, không biết ngày mai ra sao nên Phạm Bá Miều chỉ nhớ thương để đó, mà không dám thư từ hẹn ước, sợ người ta lỡ dở vì mình.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Tiến Hứa - bà Lê Thị Hương hạnh phúc khi về già.

Sau ngày giải phóng Ðiện Biên, người lính Phạm Bá Miều được giao nhiệm vụ hậu chiến nên chưa có cơ hội về thăm nhà. Ðầu năm 1955, anh nhận được thư của gia đình giục về làm đám cưới cùng cô gái năm xưa, nhưng lúc đó đang thực hiện nhiệm vụ nên anh viết thư báo hoãn. Cứ tưởng thế là thôi, ai ngờ đầu năm 1956, người thanh niên về quê sau gần 7 năm biền biệt mới ngỡ ngàng biết mình có vợ, và người đó không ai khác là cô gái anh thương nhớ bao lâu. Ðám cưới đã được hai bên gia đình tổ chức trước đó một năm mà vắng mặt chú rể.

Ðến nay đã 89 tuổi, người thanh niên năm xưa vẫn tự hỏi vì sao ngày ấy vợ chồng ông không lời thề thốt cùng 7 năm xa xôi đằng đẵng mà vẫn đến được với nhau. Ông Miều nói vậy nhưng khi ông kể về bà, tôi hiểu ông biết rõ lý do - đó là sự chân thành, tin tưởng, là tình yêu thuần khiết, không cần hẹn ước của ông bà dành cho nhau. Ông Miều kể lại: “Khi chưa nhập ngũ, tôi tham gia đội du kích địa phương và quen cô gái du kích nhỏ cùng làng, khác thôn. Tôi thích cô ấy ngay lần đầu tiên gặp bởi sự nết na mà kiên cường, tình yêu cũng được nhen nhóm từ đó. Trước ngày lên đường nhập ngũ, chúng tôi có gặp gỡ chia tay nhưng cả 2 đều bịn rịn, không nói nên lời chỉ trao nhau ánh nhìn tin tưởng. Sau này cô ấy bảo khi ấy em đã tự nhủ lòng mình sẽ đợi anh về”. Về thăm nhà không được bao lâu, ông đưa bà cùng trở lại Ðiện Biên phát triển vùng kinh tế mới với rất nhiều gian khó, vất vả. Thời gian dần trôi, cuộc sống gia đình ông cũng no đủ hơn, 2 người con lần lượt sinh ra rồi khôn lớn, thành đạt. Giờ đây, bà đã mất, ông sống cùng con cháu tại phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ.

Làm rể Ðiện Biên

Trong bao thanh niên khắp mọi miền Tổ quốc anh dũng chiến đấu, giành giật với quân xâm lược từng tấc đất Ðiện Biên ngày ấy, có không ít người chọn gắn cả cuộc đời với mảnh đất này không chỉ bởi nhiệm vụ Ðảng, Nhà nước, nhân dân giao phó mà còn bởi những chuyện tình nở hoa với các “nàng Ban” - người con gái bản địa. Nếu không tìm hiểu trước, chúng tôi đều nghĩ rằng ông Phạm Văn Vịnh, bản Yên Cang 2, xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên là người dân tộc Thái chính gốc bởi từ kiến trúc nhà ở đến nếp sinh hoạt… của gia đình ông đều đậm chất truyền thống của người Thái. Hơn nữa ông rất thuần thục ngôn ngữ Thái, cả tiếng nói và chữ viết. Có lẽ sự tôn trọng, đề cao văn hóa Thái này là bởi tình yêu sâu đậm ông dành cho vợ mình - một người phụ nữ dân tộc bản địa.

Ông Vịnh sinh năm 1924, bố mẹ mất sớm, quê gốc Nam Ðịnh, trong thời chiến cùng gia đình tản cư lên Tuyên Quang, là chiến sĩ Ðiện Biên thuộc Trung đoàn 148, Tiểu đoàn 930. Sau khi chiến dịch thắng lợi, ông cùng đơn vị được giao nhiệm vụ giúp người dân phát triển kinh tế, bảo vệ tuyến biên giới Mường Lói - Tây Trang - Mường Mươn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thời gian ông đóng quân tại khu vực Sam Mứn. Tại đây ông quen cô gái người Thái xinh đẹp Quàng Thị Mấng. Ðồng cảm trước hoàn cảnh không còn cha mẹ của bà Mấng (cha mẹ bà bị giặc Pháp sát hại tại trại tập trung Noong Nhai), ông Vịnh thường xuyên giúp đỡ chị em bà sửa nhà, làm những công việc nặng nhọc. Khi quen biết bà, ông cũng tích cực trau dồi tiếng Thái và giao tiếp với người địa phương ngày càng tốt hơn. Rồi tình cảm giữa 2 người nảy sinh từ lúc nào không rõ, chỉ đến khi ông Vịnh trở về đơn vị tại Tây Trang, xa cách nhau mới làm ông bà nhận ra tình cảm của mình. Ông Vịnh kể lại: “Mặc dù khoảng cách không quá xa nhưng vì nhiệm vụ, tôi không thể đến thăm bà ấy thường xuyên nên mỗi tuần viết 1 bức thư gửi ra. Bà ấy không biết chữ, phải nhờ người đọc hộ, vì thế nội dung thư chúng tôi chỉ xoay quanh chuyện cuộc sống, hỏi thăm sức khỏe, công việc chứ không tâm tình lãng mạn, gửi gắm nhớ nhung được”. Khi anh em đồng ngũ biết chuyện thì càng vun vén cho ông Vịnh và bà Mấng; lãnh đạo, anh em đơn vị còn thay mặt gia đình đi hỏi vợ cho ông. Bằng ngôn từ giản dị của người lính, ông Vịnh tiếp câu chuyện: “Năm 1959, bộ đội cưới vợ cho tôi với sính lễ đủ gà, gạo, rượu. Chúng tôi làm đúng thủ tục như đám cưới truyền thống của người Thái nhưng đơn giản, nhanh gọn hơn”. Sau khi cưới, bà ở nhờ nhà người bác cùng bản, ông ở tại đơn vị, vài tuần mới về thăm vợ được 1 lần, những cánh thư chở yêu thương lại đều đặn được gửi đi. Ðến năm 1963, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thương vợ 1 mình chăm 2 con nhỏ, ông phục viên về phát triển kinh tế gia đình và tham gia xây dựng chính quyền cơ sở tại nơi sinh sống. Năm 2017, bà mất, ông suy sụp rồi ốm nặng một thời gian dài, đến gần đây sức khỏe mới dần hồi phục, vui vầy bên con cháu.

Không gì chia cắt

Tháng 12/1958, ông Nguyễn Tiến Hứa (chiến sĩ Ðiện Biên ở lại làm nhiệm vụ kinh tế) lần đầu gặp bà Lê Thị Hương, thanh niên xung phong Ðội Thanh niên Tháng Tám Thủ đô. Khi đó bà Hương vừa đặt chân đến Ðiện Biên, 2 người cùng được giao nhiệm vụ trong Ðội C13, Nông trường Ðiện Biên. Năm ấy, bà là cô gái Hà thành chưa biết công việc nhà nông, sợ trâu, bò, sợ đỉa nhưng chăm chỉ và ham học hỏi, sau này được công nhận là kiện tướng sản xuất của nông trường. Ông là chàng lính chân thành, thật thà, nhiệt tình, lại điển trai thư sinh. Tình yêu giữa 2 người nhanh chóng nảy nở, anh em nông trường hết sức vun vén. Nhưng khi biết chuyện, gia đình bà Hương không đồng ý bởi nhà chỉ còn mẹ già, ít anh chị em. Gia đình mong muốn sau thời gian xung phong tình nguyện tại Tây Bắc, bà trở về Hà Nội cho gần nhà, sợ bà Hương đi xa sau này vất vả, không có ai chia sẻ. Hơn nữa, quê ông Hứa ở Hà Tĩnh, đường sá cách trở, vùng miền khác biệt. Dưới cái nhìn yêu thương của người mẹ, người anh, biết bao nhiêu nỗi lo bủa vây, nhưng trong tâm trí của cô gái 18 tuổi khi ấy, chỉ tình yêu là đủ. Tin vào chàng trai miền Trung chân thật, cô gái Hà Nội quyết định gửi gắm cả cuộc đời mình và chấp nhận khó khăn, gian khổ để cùng nhau dựng xây mái ấm ở mảnh đất Ðiện Biên hoang sơ, còn bao tàn tích chiến tranh.

Ông Hứa vẫn còn nhớ rõ ngày hạnh phúc nhất cuộc đời mình - 20/8/1960, ngày diễn ra đám cưới đơn sơ mà ấm cúng của ông bà ngay tại nông trường cả 2 cùng làm việc. Ông Hứa nhớ lại: “Chỉ ấm nước chè, vài gói kẹo, thêm mấy gói hạt dưa bà nhờ anh trai gửi lên, thế là đám cưới của chúng tôi diễn ra. Dù thiếu thốn nhưng vẫn không thiếu niềm vui, tiếng cười. Cuộc sống sau này cũng thế, làm kinh tế tập thể, vợ chồng tôi không có tài sản gì riêng, được nông trường phân cho 1 gian nhà gianh ở trong khu tập thể. Ðến năm 1965, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, trong đó có Ðiện Biên, làm hư hại nhiều tài sản, nhà cửa, gia đình tôi mới chuyển ra ngoài khai hoang dựng nhà tạm, phát cỏ dại, vỡ đất sản xuất, rồi ở cho đến bây giờ (tổ dân phố 3, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ)”. Ông bà luôn đặt công việc nông trường lên hàng đầu, hết việc nông trường về nhà lại cặm cụi nuôi lợn, gà, trồng vài luống rau, cần cù tích góp để nuôi con ăn học. Nhờ đó cuộc sống của gia đình ngày một ấm no, sung túc, con cháu khôn lớn, trưởng thành. Giờ đây bước sang tuổi 80 - 90, vợ chồng ông Hứa không còn vướng bận điều gì, ngày ngày cùng nhau thư thái thưởng trà, tản bộ, chăm vườn hoa trước cửa, tận hưởng những tháng ngày an nhàn, hạnh phúc bên nhau.

Giữa những bộn bề gian khó của trận địa một thời, nơi họ đổ máu để gìn giữ, rồi đổ mồ hôi, công sức dựng xây, tình yêu đã đơm hoa và cho những trái ngọt - một tình cảm bình dị mà đẹp biết bao.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top