Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6)

Gia đình là để yêu thương

09:07 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 28830 In bài viết

ĐBP - Có một nơi để trở về đó là nhà và có những người yêu thương chính là gia đình. Gia đình - 2 tiếng thiêng liêng, trân quý luôn là thứ để mỗi người chúng ta gìn giữ và trân trọng. Tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp để gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững là trách nhiệm của mỗi người, tạo nên những “tế bào” tốt đẹp để xã hội phát triển.

 

Tuyên truyền những kiến thức xây dựng cuộc sống đối với phụ nữ là giải pháp gìn giữ sự gắn kết trong gia đình. Trong ảnh: Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) tham gia tập huấn kiến thức gia đình.

Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống… Ðó chính là những nền móng để xây dựng xã hội phát triển. Chính vì vậy, yêu thương và chia sẻ, giữ gìn hạnh phúc gia đình để có tổ ấm thực sự cần có sự chung tay từ mỗi các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay. Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh cho biết: Với chủ đề ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2019 “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức đa dạng, phong phú tại các địa phương, như: tổ chức tọa đàm, hội thi… qua đó nêu bật ý nghĩa, giá trị của văn hóa ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao quý của dân tộc. Xã hội chuyển động ngày càng nhanh hơn, các “tế bào” của xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thế giới bên ngoài, đặc biệt là mạng xã hội, chịu tác động bởi nền kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường… nên văn hóa gia đình có biểu hiện xuống cấp vì những tác động xấu của đời sống xã hội dẫn đến tình trạng xung đột gia đình; thậm chí đổ vỡ, ly hôn, khiến gia đình không bền vững. Với sự quan tâm của chính quyền các cấp trong tỉnh, công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGÐ) trên địa bàn đã tạo được những chuyển biến tích cực, tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể; các mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì có hiệu quả và đang được nhân rộng. Toàn tỉnh có 912 địa chỉ tin cậy được thành lập tại 130 xã, phường, thị trấn. Các địa chỉ tin cậy hoạt động tương đối hiệu quả, nhanh chóng can thiệp giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về pháp luật của Nhà nước. Nhờ làm tốt công tác PCBLGÐ nên số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2009 toàn tỉnh xảy ra 798 vụ bạo lực gia đình, thì năm 2018 còn 54 vụ.

Vì sự phát triển gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững, công tác gia đình được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp; trong đó chú trọng truyền thông, nhân rộng điển hình tại các cơ sở Hội. Bà Vi Thu Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa tâm sự: Không chỉ đẩy mạnh truyền thông tới cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước về công tác gia đình bằng nhiều hình thức, lồng ghép tại các buổi sinh hoạt, họp thôn, bản; tổ dân phố; Hội còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; nhất là trong Tháng hành động quốc gia về PCBLGÐ; Ngày gia đình Việt Nam hằng năm. Xã hội hóa các hoạt động truyền thông, với sự hỗ trợ của Chương trình vùng Tủa Chùa, Ngày hội gia đình hạnh phúc nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam năm nay được Hội tổ chức thành công hơn, ý nghĩa hơn với nhiều hoạt động lý thú. Bên cạnh việc tổ chức truyền thông về chủ đề Ngày gia đình Việt Nam năm 2019, Hội đã tổ chức thi tìm hiểu kiến thức gia đình, thu hút đông đảo hội viên tới từ 10 cơ sở Hội. Nội dung xoay quanh những vấn đề được nhiều người dân, nhất là chị em quan tâm, như: Giáo dục chăm sóc con cái làm sao cho phù hợp, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tội phạm mua bán người như thế nào cho hiệu quả?… Từ đó giúp họ thêm kiến thức cũng như nâng cao trách nhiệm cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chị Chang Thị Dùa đến từ xã Sín Chải chia sẻ: Tham gia Ngày hội gia đình hạnh phúc, chúng tôi càng hiểu và trân quý hơn giá trị gia đình; có thêm kiến thức để nuôi dạy con cái, tổ chức cuộc sống gia đình vui vẻ, hòa hợp.

Ðể mỗi tế bào của xã hội phát triển bền vững, là chỗ nương tựa của mỗi thành viên trong gia đình, là động lực để họ ra sức thi đua, hăng hái lao động, sản xuất, cuối năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3209 về việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh để áp dụng triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; đồng thời nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, hạnh phúc gia đình không thể từ người phụ nữ gây dựng, bồi đắp mà đó là thành quả của sự đồng thuận, nỗ lực của các thành viên và không thể thiếu được người đàn ông - trụ cột gia đình. Chính vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy luôn nâng niu, gìn giữ, trân trọng tình cảm của những người thương yêu; hướng về gia đình, quan tâm đến gia đình nhiều hơn và dành tình cảm yêu thương nhất cho tổ ấm của mình.


Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top