Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa gia đình thời hội nhập

09:04 - Thứ Sáu, 28/06/2019 Lượt xem: 31655 In bài viết

ĐBP - Từ nhiều năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) đã trở thành một sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, là dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ. Ðây cũng là ngày để các thành viên trong gia đình thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến nhau; xã hội quan tâm đến những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, neo đơn, hoàn cảnh khó khăn…) để động viên, chia sẻ. Mỗi gia đình, mỗi thành viên hiểu và cảm nhận được giá trị của mái ấm gia đình để cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc, giàu truyền thống.

 

Hội Liên Hiệp phụ nữ huyện Tủa Chùa phối hợp với Chương trình Phát triển vùng Tủa Chùa tổ chức Ngày hội Gia đình hạnh phúc nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Ở góc độ quản lý Nhà nước về công tác gia đình, hằng năm Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh ta đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền thông về công tác gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở có nội dung cụ thể, thiết thực, như: chương trình giáo dục đời sống gia đình, kỹ năng ứng xử, hạn chế xung đột giữa vợ và chồng; bạo lực gia đình và giải pháp xử lý; hướng dẫn thực hiện quy định về thu thập số liệu gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Từ những buổi tập huấn, truyền thông như vậy, thành viên Ban chỉ đạo về công tác gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở đã lĩnh hội, tiếp thu những kỹ năng quan trọng để triển khai tại cơ quan, đơn vị và đến từng tổ dân phố, thôn bản; góp phần quan trọng tạo nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng tổ dân phố, thôn, bản văn hóa.

Tuy vậy, từ thực tế cho thấy trong những năm gần đây các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình đã có những sự thay đổi cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Cùng với sự thay đổi là phù hợp với sự phát triển chung của xã hội thì còn có sự thay đổi làm mai một những giá trị truyền thống gia đình tốt đẹp. Nếu như hơn chục năm về trước rất nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ cùng sinh sống thì ngày nay phần lớn là các gia đình 2 thế hệ, đặc biệt là ở thành thị. Chính sự thay đổi ấy đã tạo nên khoảng trống về tính kế thừa trong giáo dục văn hóa truyền thống gia đình của thế hệ trước và thế hệ sau. Ở nhiều gia đình, bố mẹ bị cuốn vào công việc không có thời gian dành cho con cái nên để chúng phát triển tự nhiên và phó mặc cho nhà trường, xã hội là những trường hợp không hiếm gặp. Việc duy trì những bữa ăn cả nhà quây quần bên mâm cơm, kể cho nhau nghe những câu chuyện trong cuộc sống hay việc ông bà chấn chỉnh con cháu trong nết ăn uống, phép tắc trong mâm cơm cũng ít thấy trong các gia đình… 

Chính vì vậy, việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ trong gia đình để nuôi dưỡng giáo dục con cái, thoả mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên là vô cùng cần thiết. Cùng với đó là việc giáo dục văn hoá truyền thống trong các hoạt động hàng ngày của gia đình, như: giao tiếp, ứng xử, ăn mặc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí… để các thế hệ sau được kế thừa văn hóa truyền thống của các thế hệ trước. Ðây cũng là hành trang để mỗi đứa trẻ lớn lên, trở thành những người có nền tảng văn hóa tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội. Ðể làm được điều đó, ngoài việc quan tâm, định hướng của xã hội thì các bậc ông bà, cha mẹ cần có cách nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống. Từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, tạo những thói quen, hình thành nền nếp mang giá trị truyền thống trong mỗi gia đình.


Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top