Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Không im lặng trước bạo lực giới

09:11 - Thứ Năm, 25/06/2020 Lượt xem: 43831 In bài viết

ĐBP - Bạo lực giới như “tảng băng chìm” vẫn diễn ra âm ỉ thường ngày trong xã hội; không chỉ của riêng nhóm dân tộc thiểu số mà của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Dự án Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; với mục đích phá vỡ sự im lặng xung quanh bạo lực giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2018, đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Chị Quàng Thị Sam, bản Công, xã Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ), Hạt nhân thay đổi của Dự án SUSO chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền trong một cuộc hội thảo cấp tỉnh.

Chúng tôi may mắn có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Hạt nhân thay đổi của dự án, đó là chị Quàng Thị Sam, bản Công, xã Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ). Chị Sam chia sẻ: Tháng 6/2018, thông qua kết nối của Hội Phụ nữ xã, tôi cùng chồng tham gia vào nhóm Hạt nhân của Dự án Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (dự án SUSO). Ðược tham gia các chương trình tập huấn, tôi đã hiểu và nhận diện được 4 hình thức bạo lực (bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế). Ðồng thời, được trang bị những kỹ năng như tổ chức sự kiện, làm việc nhóm, kỹ năng tương tác (đặt câu hỏi, sàng lọc, phản hồi…). Từ đó, có kiến thức, hiểu biết để tư vấn, tuyên truyền đến các chị em, hộ gia đình trong bản về cách nhận diện và phòng tránh bạo lực trong gia đình. Từ khi tham gia nhóm Hạt nhân đến nay tôi đã hòa giải thành công cho 8 cặp vợ chồng trong bản. Các chị em trong bản chủ yếu bị bạo lực về tinh thần và bạo lực thể chất. Có trường hợp cũng chỉ vì ghen tuông vô cớ mà cấm đoán không cho vợ dùng điện thoại, thường xuyên kiểm tra điện thoại của vợ… rồi dẫn đến “động tay động chân” với vợ. Qua tuyên truyền vận động hầu hết các trường hợp đã nhận thức được, hiểu và cam kết rút kinh nghiệm, hứa không tái phạm. Hiện nay, ở bản Công đã thành lập được Nhóm VSLA (Nhóm Cổ phần tài chính tự quản) gồm 28 thành viên là nữ. Ngoài việc đóng Quỹ tương trợ 2.000 đồng/tháng để duy trì nhóm và thăm hỏi gia đình hội viên có người ốm đau. Nhóm còn có Quỹ tài chính tự quản, mỗi hội viên đóng từ 1 - 5 cổ phần/tháng (mỗi cổ phần 20 nghìn đồng) để gây quỹ cho chị em hội viên khó khăn vay vốn; đến nay tổng dư nợ của nhóm trên 5 triệu đồng.

Anh Lò Văn Dung, bản Tâu, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: Từ khi tham gia nhóm Hạt nhân thay đổi của dự án SUSO, được tham gia các chương trình tập huấn tôi đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều. Trước kia tôi không bao giờ rửa bát, giặt quần áo… vì nghĩ đây là việc của phụ nữ. Giờ tôi đã hiểu, giặt quần áo, rửa bát, nấu cơm… là hỗ trợ, chia sẻ việc nhà với vợ chứ không ảnh hưởng gì tới danh dự đàn ông cả. Khi người phụ nữ được chồng chia sẻ việc nhà, gia đình sẽ hòa thuận vui vẻ hơn. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia cùng với tổ hòa giải cơ sở tuyên truyền vận động các ông chồng không được sử dụng bạo lực với vợ, con dưới bất kỳ hình thức nào; vận động những chị em bị bạo lực gia đình hãy mạnh mẽ đứng lên nói ra những nỗi khổ, bạo lực mà mình phải chịu đựng…

Bà Lê Kim Dung, Giám đốc tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết: Dự án SUSO do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng Viện Phát triển Sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) đồng triển khai với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Ðiện Biên (CCD). Dự án triển khai trên địa bàn 4 xã Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Phăng và Pá Khoang, tại 24 thôn bản. Dự án đã thu được những kết quả quan trọng. 92% phụ nữ và 85% nam giới người dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án đã nhận diện được 4 hình thức bạo lực và phản đối mọi hình thức bạo lực; các cơ sở dữ liệu về tình trạng bạo lực tại cấp thôn bản và cấp xã đang được hoàn thiện. Riêng trong năm 2019, theo thống kê 42 phụ nữ bị bạo lực đã được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Hầu hết các trường hợp ghi nhận có dạng bạo lực kép, trong đó bạo lực tinh thần và thể chất phổ biến nhất, lần lượt chiếm 50,8% và 33,3%.

Với những kết quả đã đạt được, Dự án kỳ vọng sẽ nâng cao hiểu biết của cộng đồng và chính quyền địa phương về bạo lực giới; phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực lên tiếng về tình trạng của mình cũng như được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ hỗ trợ; vấn đề bạo lực giới của người dân tộc thiểu số sẽ được đưa vào các hoạt động vận động chính sách vì một cuộc sống không còn bạo lực. Từ nay đến năm 2021, Dự án tiếp tục tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy sự suy ngẫm của người tham gia về nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình đẳng giới; thúc đẩy sự tham gia của nam giới vào những hoạt động ở cấp thôn bản; tăng cường năng lực của các đơn vị có liên quan trong việc cung cấp dịch vụ cho người bị bạo hành và gia tăng tiếng nói của người dân trong các chính sách liên quan đến phòng, chống bạo lực giới.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top