Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Vấn đề tuần này

Gìn giữ giá trị truyền thống gia đình

09:15 - Thứ Năm, 25/06/2020 Lượt xem: 54637 In bài viết

ĐBP - Ai đó đã nói rằng: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Với mỗi người Việt Nam, gia đình vừa là điểm xuất phát vừa là nơi nương tựa, trở về sau những vấp ngã, thất bại trong cuộc sống. Tình cảm gia đình, văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình đã tạo nên giá trị truyền thống gia đình Việt; góp phần hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách mỗi người.

Tình cảm gia đình không chỉ có bố mẹ, con cái mà còn là tình yêu thương ông bà, con cháu, anh chị em, những người ruột thịt. Nó được thể hiện thông qua sự hòa thuận, chung thủy, nghĩa tình, lòng yêu thương và đức hi sinh cho con cháu, tôn trọng và yêu kính ông bà, cha mẹ, anh em. Mối quan hệ tình cảm ấy đã được đúc kết thành đạo lý, răn dạy qua những câu ca dao, tục ngữ: “Anh em như thể tay chân// Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”, “Anh thuận, em hòa là nhà có phúc”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Chị ngã, em nâng”… Sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình là bởi tình nghĩa, trách nhiệm và lối giao tiếp ứng xử nhân văn từ trong truyền thống gia đình người Việt. Gia đình và mối quan hệ, ứng xử, giao tiếp trong gia đình là môi trường mà mỗi con người tiếp xúc đầu tiên từ khi ra đời. Và từ “bệ phóng văn hóa” gia đình, mỗi người đến với xã hội, thu nạp thêm những lối ứng xử đa dạng trong quan hệ xã hội. Nếu như điểm xuất phát gia đình đã tạo lập cho mỗi người giá trị văn hóa mang tính chuẩn mực thì việc tiếp nhận, thực hành lối ứng xử trong cộng đồng và các mối quan hệ khác sẽ được nhìn theo khuôn mẫu từ văn hóa ứng xử gia đình. Gia đình là môi trường quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức, tác phong, nền nếp sinh hoạt của mỗi cá nhân. Vì vậy, văn hóa ứng xử gia đình cần được hình thành, xây dựng theo những tiêu chí chung từ sự tôn trọng, yêu thương, sẻ chia, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.

Hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự giao lưu và hội nhập đa dạng, giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử và tình cảm gia đình đứng trước nhiều thách thức, làm biến đổi những giá trị văn hóa chuẩn mực theo hướng tiêu cực. Vợ chồng không tôn trọng nhau; cha mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái; anh em tranh giành lợi ích mà từ mặt, quay lưng… Những biến đổi về văn hóa ứng xử trong gia đình đã gây ra nhiều sự việc đau lòng, trái luân thường đạo lý; làm cho gia đình không còn là mái ấm của mỗi người. Ðiều đó đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình, cơ quan quản lý và xã hội cần chung tay xây dựng các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của gia đình Việt.

Văn hóa ứng xử trong gia đình là giá trị truyền thống luôn được đề cao trong mỗi gia đình người Việt. Nếu mỗi người được chuẩn bị, dạy dỗ chu đáo về ứng xử văn hóa trong gia đình sẽ là những tiền đề cơ bản để xây dựng lối sống chuẩn mực, tiếp tục ứng xử văn hóa trong xã hội. Nói về vai trò của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nói cách khác, gia đình là tế bào của xã hội; gia đình no ấm, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển, văn minh. Chung tay xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình góp phần tạo nên ứng xử văn hóa trong cộng đồng, xã hội chính là gìn giữ và phát huy nét đẹp giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Mỗi người hãy luôn nâng niu, gìn giữ, trân trọng tình cảm của những người trong gia đình để gia đình luôn là điểm tựa, là nơi nương náu bình yên sau những giông bão cuộc đời.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top