Chính trịXây dựng Đảng

Thực hiện Nghị quyết số 19

Việc khó càng phải nỗ lực cao

08:48 - Thứ Hai, 11/06/2018 Lượt xem: 5845 In bài viết

Bài 2: Biến khó khăn thành động lực

ĐBP - Ðổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó, phức tạp và nhạy cảm, bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, viên chức và người lao động…

 

Việc sáp nhập bệnh viện đa khoa cấp huyện với trung tâm y tế cấp huyện trong thời gian tới sẽ thuận lợi trong việc quản lý, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ khám bệnh cho bệnh nhi.

Ðể thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19, theo ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Ðào tạo, công tác tuyên truyền cần được đặt lên hàng đầu, cần tuyên truyền sâu rộng để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nắm rõ; nhất là đối với những người thuộc đối tượng tinh giản, sắp xếp lại để tạo sự đồng thuận cùng thực hiện. Hiện ngành Giáo dục và Ðào tạo có 16.232 biên chế viên chức sự nghiệp, nhìn qua thì thấy số lượng vô cùng lớn nhưng so với quy mô trường, lớp học, định mức biên chế giáo viên/lớp theo quy định thì vẫn còn thiếu 1.488 giáo viên. Vì vậy, việc tinh giản biên chế gây khó khăn cho cơ sở trong việc bố trí, phân công lao động. Việc sắp xếp đổi mới hệ thống tổ chức đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục gặp khá nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất (phòng học, phòng ở cho học sinh nội trú…) tại trường trung tâm chưa đảm bảo để đưa 100% học sinh khối 3, 4, 5 từ điểm trường về trung tâm. Ðó là chưa nói tới Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng chỉ rõ: Phải rà soát, sắp xếp hợp lý, tinh giản biên chế đối với chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình chia cắt, nhiều đơn vị xa trung tâm, không tập trung nên việc bố trí nhân viên kế toán, y tế làm việc kiêm nhiệm tại nhiều đơn vị là chưa khả thi. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu, ngành chủ trương thực hiện trước ở những cơ sở, địa bàn đủ điều kiện rồi rút kinh nghiệm và cơ sở, địa bàn khó sẽ làm sau.

Qua ý kiến của một số lãnh đạo sở, ngành cho thấy, việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập hiện mới đang ở khâu rà soát, ban hành kế hoạch thực hiện chứ chưa thể đẩy nhanh tiến độ. Quan trọng nhất là việc sắp xếp, bố trí nhân lực trong quá trình sáp nhập phải đảm bảo quyền lợi của người lao động - đây là việc không dễ, nhất là việc sắp xếp lại vị trí nhân sự lãnh đạo và tinh giản biên chế dôi dư có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Theo ông Triệu Ðình Thành, Giám đốc Sở Y tế, việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết, vì vậy ngành Y tế đang rốt ráo thực hiện nhưng phải đảm bảo dựa trên các nguyên tắc mà Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy đã chỉ đạo; thực hiện chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi sắp xếp lại vị trí công tác, thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Ðể việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế hiệu quả, Tỉnh ủy đã chỉ đạo đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên. Thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại viên chức hàng năm làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm, cơ cấu hợp lý; rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến. Ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công đảm bảo chặt chẽ phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu; đảm bảo công khai minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực sự nghiệp công, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục… với nhiều hình thức. Phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với các hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích việc tinh giản biên chế, giải quyết chính sách đảm bảo quy định đối với những người dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện tinh giản số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập…

Thực tế cho thấy việc đổi mới sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng là vô cùng cần thiết. Bởi thực trạng phát triển quá về quy mô, nặng tính hình thức mà chưa mang lại hiệu quả như mong muốn trong thời gian qua đã dẫn đến việc hình thành, tổ chức bộ máy nhiều đơn vị sự nghiệp công lập cồng kềnh, lãng phí cả về nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất. Tuy nhiên quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp này chắc chắn sẽ tác động đến từng tổ chức, con người cụ thể và khó tránh khỏi những vấn đề nảy sinh. Song tin rằng, với chương trình hành động kịp thời, lộ trình cụ thể, nhóm giải pháp, mục tiêu thực hiện rõ ràng, sát điều kiện thực tế của địa phương sẽ là “cái gậy” để các sở, ban, ngành, địa phương bám vào tổ chức thực hiện. Từ đó hoàn thành tốt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015. Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản, như: y tế, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top